Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, Công an, Quản lý thị trường…
Xử phạt 1.679 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng
Báo cáo kết quả triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, toàn TP thành lập 706 đoàn kiểm tra, giám sát về ATTP. Trong đó, cấp TP 17 đoàn (4 đoàn liên ngành TP; 13 đoàn của các sở ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, Công an, Quản lý thị trường…); cấp quận, huyện, thị xã 82 đoàn; cấp xã, phường, thị trấn 607 đoàn.
Trong Tháng hành động vì ATTP, 4 đoàn liên ngành TP đã kiểm tra đột xuất, định kỳ 33 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Số cơ sở đạt 16/33 cơ sở (tỷ lệ 48,5%). Số cơ sở không đạt 17/33 cơ sở (tỷ lệ 51,5%). Đoàn kiểm tra liên ngành TP xử lý 14 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt 151 triệu đồng.
Các vi phạm chủ yếu là người tham gia chế biến thực phẩm không tuân thủ chế độ vệ sinh cá nhân theo quy định; Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP; khu vực sản xuất có côn trùng xâm nhập; điều kiện sản xuất, kinh doanh chưa bảo đảm; không có bản tự công bố sản phẩm; chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Cũng trong Tháng hành động vì ATTP, các đoàn kiểm tra của các sở, ngành đã kiểm tra 817 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 683 cơ sở với số tiền phạt 4,6 tỷ đồng.
Trong đó, Sở Y tế kiểm tra và xử lý vi phạm 116 cơ sở, với số tiền phạt 357 triệu đồng. Sở Công Thương kiểm tra và xử lý vi phạm 5 cơ sở với số tiền phạt 4 triệu đồng. Sở NN&PTNT kiểm tra, xử lý vi phạm 54 cơ sở với số tiền phạt 417 triệu đồng. Công an Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm 403 vụ việc với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm 239 vụ với số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng.
Cấp quận, huyện, thị xã đã kiểm tra, giám sát 11.692 cơ sở, trong đó 10.385 cơ sở có kết quả đạt (tỷ lệ 88,8%); 996 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 4,2 tỷ đồng.
Như vậy, toàn TP đã kiểm tra, giám sát 12.509 cơ sở, trong đó, số cơ sở đạt điều kiện ATTP theo quy định 10.522 cơ sở (tỷ lệ đạt 84,1%); 1.814 cơ sở vi phạm. Trong đó, 1.679 cơ sở bị xử lý với số tiền phạt hơn 8,8 tỷ đồng; 135 cơ sở nhắc nhở, khắc phục tại chỗ; 7 cơ sở bị đình chỉ (trong đó, quận Hoàn Kiếm 2 cơ sở, huyện Mê Linh 1 cơ sở, quận Đống Đa 1 cơ sở, quận Ba Đình 3 cơ sở).
Thời gian qua, các quận, huyện, thị xã đã tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm trong “Tháng hành động vì ATTP”. Nhiều quận, huyện kiểm tra, xử lý đạt cao như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm (từ 30 - 129 cơ sở với số tiền phạt từ 160 - 560 triệu đồng).
Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, qua đợt kiểm tra trong Tháng hành động vì ATTP cho thấy, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt các ban ngành tham mưu, triển khai nhanh chóng, tập trung vào công tác kiểm tra đột xuất, cơ sở kinh doanh ngoài giờ hành chính.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm đến tận nơi trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, đầu tư kinh phí xét nghiệm đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để cảnh báo cho cộng đồng.
Đặc biệt, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định về ATTP một cách thực tế, hiệu quả để nâng cao nhận thức, thực hành cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm.
Trong Tháng hành động vì ATTP TP ghi nhận 4 bệnh nhân liên quan đến sự cố về ATTP (2 bệnh chẩn đoán ngộ độc Methanol, 2 bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hoá).
Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín, Hoàn Kiếm… cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP, đồng loạt các địa phương đã ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Thời gian tới, các địa phương tăng cường kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời các vi phạm ATTP.
"Cùng với công tác kiểm tra ATTP cần đẩy mạnh tuyên truyền trên báo, đài, fanpage nâng cao nhận thức từ phía chủ cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết bảo đảm ATTP” - đại diện UBND huyện Thanh Oai nêu rõ.
Để công tác quản lý ATTP đạt hiệu quả, tại hội nghị, Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội đã đưa ra 3 nhóm giải pháp cần tập trung triển khai trong 6 tháng cuối năm. Đó là tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng đến các nhóm đối tượng; tăng cường quản lý ATTP trong trường học và bảo đảm ATTP thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống.
Xử lý vi phạm ATTP tránh tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”
Đề cập đến giải pháp bảo đảm ATTP, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng, công tác ATTP cần đẩy mạnh tuyên truyền đổi mới hình thức qua các kênh như: Zalo, bản tin Zalo của các quận, huyện. Điều này sẽ tạo được hiệu ứng mạnh mẽ hơn, sử dụng nền tảng Tiktok để để thông tin về các cơ sở vi phạm ATTP, cá nhân cá thể hóa, nêu danh các đơn vị, cửa hàng vi phạm để lên án các cửa hàng, mặt hàng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Đại diện Công an Hà Nội cho hay, trong Tháng hành động vì ATTP, Công an Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành vào cuộc phát hiện nhiều vụ việc lớn, có tiếng vang để cảnh tỉnh người dân.
“Tuy nhiên, trong công cuộc đấu tranh, có bắt giữ, kiểm tra bao nhiêu nhưng công tác tuyên truyền không được đẩy mạnh thì công tác ATTP không mang lại hiệu quả cao. Bởi không có cầu sẽ không có cung, từ đó hạn chế việc kinh doanh buôn bán của các đối tượng hám lời. Do đó, công tác ATTP cần được đẩy mạnh tuyên truyền và triệt để. Xác định tháng nào cũng là Tháng hành động vì ATTP, công cuộc đấu tranh bảo đảm ATTP cần có sự vào cuộc của các sở ban ngành” – đại diện Công an Hà Nội nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho rằng, cách truyền thông hiệu quả nhất là cho người dân chụp hình ảnh và giao cho các địa phương, cơ quan chức năng xử lý dứt điểm vi phạm.
Thực tế, các sở, ngành đã có những chế tài xử phạt nặng các cơ sở vi phạm, tuy nhiên, các xã phường còn xử phạt nhẹ, chưa đủ mức răn đe. Trong khi, nhân lực làm về công tác ATTP rất mỏng so với số lượng cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm.
Do đó, nếu chỉ làm theo kiểu nay đến cửa hàng nọ, mai đến cửa hàng kia thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” không thể xử lý hết được. “Chúng tôi rất mong người dân, chính quyền địa phương cùng vào cuộc với cơ quan chức năng. Khi người dân phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm ATTP hãy gửi thông tin cho chúng tôi” - ông Chu Xuân Kiên nói.
Đề xuất thêm giải pháp bảo đảm ATTP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà kiến nghị triển khai một chiến dịch sâu rộng, bài bản về tuyên truyền và truyền thông trực diện các nhóm vấn đề tới từng nhóm đối tượng. “Chúng ta sử dụng các mạng công nghệ để lan tỏa, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, trực diện đến nhóm đối tượng với đầy đủ thông tin về tình hình ATTP để tự mỗi cá nhân phải bảo vệ mình” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, qua các hoạt động của Tháng hành động vì ATTP, nhiều quận, huyện đã làm tốt công tác đảm bảo ATTP, tuy nhiên, vẫn còn những địa phương triển khai chưa hiệu quả. Do đó, công tác kiểm tra ATTP cần được coi như nhiệm vụ chính trị thực hiện thường xuyên, liên tục.
Đồng tình với ý kiến của đại diện các sở, ban ngành, đặc biệt là ý kiến của Công an TP, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, công tác kiểm tra ATTP không chỉ hành động trong Tháng cao điểm mà cần phải hành động, kiểm tra thường xuyên, liên tục. Công tác ATTP cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cần ban hành các chỉ thị quan trọng về lĩnh vực này.
Để công tác bảo đảm ATTP đạt được kết quả như mong muốn, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, Chủ tịch UBND TP cho rằng, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, ý thức từ cán bộ đến người dân; thay đổi thói quen và tư duy tiêu dùng. Để làm được điều đó cần tăng cường các hoạt động truyền thông và đẩy mạnh bổ sung kinh phí truyền thông trên báo, đài, mạng xã hội; tổ chức các cuộc thi viết về ATTP...
“Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền ATTP cần được đẩy mạnh trong các nhà trường để giáo dục thế hệ tương lai. Còn người dân không nên vì chạy theo lợi nhuận mà nuôi trồng, sản xuất theo kiểu “lợn một chuồng, rau một luống”. Bên cạnh đó, TP cũng cần tăng cường các giải pháp quản lý chợ truyền thống; đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống giết mổ tập trung...” - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội đã trao Bằng khen của TP cho 10 tập thể và 7 cá nhân vì đã có những đóng góp trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024.
60% nguồn thực phẩm ở chợ cung cấp cho người dân. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ cóc, chợ tạm còn hạn chế. Tình trạng buôn bán diễn ra ngay dưới lòng đường, vỉa hè, thấy công an thì chạy, không thấy lại ngồi. Thậm chí, mỗi một chợ truyền thống phải xây dựng được trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm. Đến nay, hơn 500 chợ trên địa bàn mới có 22 trạm xét nghiệm nhanh, tỷ lệ rất thấp.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan