Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai:

Công tác quy hoạch cán bộ có nhiều điểm mới

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Về quy hoạch cán bộ, trong năm nay, với việc thực hiện Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, có nhiều điểm mới"- Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022 do Ban Tổ chức T.Ư phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức diễn ra sáng 14/7, thông tin về vấn đề quy hoạch cán bộ, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho biết, trong năm nay, việc thực hiện văn bản mới là Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, việc lập quy hoạch cán bộ các cấp có nhiều điểm mới.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.

Nêu thực tiễn lâu nay có người vừa quy hoạch xong là bổ nhiệm luôn, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho biết, lần này khắc phục, khi có quyết định quy hoạch sau 3 tháng mới làm quy trình bổ nhiệm nếu được bổ nhiệm. “Phải có khoảng cách, không thể vừa quy hoạch xong đã bổ nhiệm ngay thì gây phản cảm trong xã hội”- Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cũng cho biết, số lượng cán bộ quy hoạch cho mỗi vị trí cũng giảm so với trước. Trước đây, một chức danh quy hoạch 4 người thì lần này một chức danh quy hoạch không quá 3 người, một người không quá 3 chức danh.

"Trước giới thiệu 100 người thì chỉ 30 người vào vị trí, 70 người ngồi lại sẽ tâm tư, do đó phải hẹp lại. Quy hoạch 60 người thì phải được 30 người, như vậy cán bộ có hy vọng và động lực. Giảm số lượng cán bộ quy hoạch cho các vị trí cũng giúp chọn người tốt hơn, giỏi hơn và chặt chẽ hơn”- Trưởng ban Tổ chức T.Ư ví dụ.

Một điểm mới khác được Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai nhấn mạnh đó là khi chọn cán bộ thay thế người bị khai trừ, khởi tố, Bộ Chính trị không chỉ quan tâm tới năng lực, bản lĩnh mà còn phải trong sạch. "Cán bộ không “sạch sẽ” rất khó được quan tâm bổ nhiệm vào các vị trí. Như vậy cán bộ, đảng viên, Nhân dân mới yên tâm" - Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết.

Cũng liên quan đến công tác cán bộ, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, một trong những nhiệm vụ hiện nay là thực hiện Nghị quyết 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó có mục tiêu bố trí Bí thư tỉnh uỷ, thành ủy không phải là người địa phương. Đến nay, trong cả nước có 32/63 Bí thư không phải là người địa phương và theo mục tiêu của Nghị quyết 26, đến cuối nhiệm kỳ này cơ bản bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương.

Về một số mô hình kiêm nhiệm, theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai, hiện nay, Ban Tổ chức T.Ư đã báo cáo với Bộ Chính trị và sẽ có thông báo. Ví dụ như kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức; hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc với cơ quan chuyên môn; Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ; tổ chức lại Đảng ủy doanh nghiệp; hợp nhất một số cơ quan chuyên môn của Ủy ban, văn phòng, các văn phòng của cấp ủy, văn phòng của các cơ quan nhà nước...