Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (VBQPPL), Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định…
Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, thẩm định là một khâu rất quan trọng, bắt buộc phải đáp ứng 6 nội dung cơ bản theo tinh thần Luật Ban hành VBQPPL, đặc biệt là yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của các dự án, dự thảo và tính tương thích với các điều ước quốc tế, góp phần kiểm soát, nâng cao chất lượng văn bản.
Báo cáo một số nội dung của công tác thẩm định và việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định tại phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ đã thẩm định 71 dự án, dự thảo. Theo đó, Bộ Tư pháp đánh giá các cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản đảm bảo hồ sơ đầy đủ, chất lượng của các tài liệu trong hồ sơ từng bước được nâng cao.
Về thời hạn thẩm định, quy định là 20 ngày nhưng trung bình Bộ Tư pháp hoàn thành việc thẩm định là 15 ngày. Đặc biệt, một số trường hợp, Bộ đã tập trung nguồn lực, huy động nhiều chuyên gia, nhà khoa học để rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng (tổ chức thẩm định và có báo cáo sau 5 ngày).
Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đánh giá cao, các ý kiến thẩm định đều được cơ quan chủ trì tiếp thu… Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thẩm định VBQPPL vẫn còn tồn tại nhất định. Đó là việc chuẩn bị và gửi hồ sơ thẩm định vẫn còn trường hợp chậm, hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình thẩm định một số dự án, dự thảo, sự phối hợp tham gia thẩm định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vẫn còn hạn chế, chưa bố trí được người tham gia hoặc cử cán bộ tham gia không đúng thành phần…
Bên cạnh đó, phần lớn các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đều được gửi đến Bộ Tư pháp khi trình Chính phủ. Tuy nhiên, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với một số dự án, dự thảo chưa tiếp thu đầy đủ hoặc có giải trình nhưng chưa thuyết phục. Một số dự án, dự thảo chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ hoặc vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định vừa trình Chính phủ.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là đội ngũ cán bộ công chức làm công tác thẩm định còn thiếu về số lượng, kiến thức cũng như kinh nghiệm chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên ngành. Trong khi đó việc huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học vào quá trình thẩm định còn hạn chế.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác thẩm định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ sẽ tập trung thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành VBQPPL về thẩm định và giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; tiếp tục duy trì cơ chế hội đồng thẩm định, tăng cường các thành viên hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học. Đặc biệt, ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực làm công tác thẩm định, tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ này.