Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác thanh, kiểm tra chưa thực sự quyết liệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực tế giá cước vận tải tăng nhanh, giảm chậm hiện nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các cơ quan quản lý cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

“Vấn đề không phải là chế tài xử phạt chưa đủ nghiêm mà công tác thanh, kiểm tra vẫn chưa thực sự quyết liệt” - ông Long nói.

Cơ chế quản lý giá cước vận tải vẫn rườm rà

Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục giảm nhưng các DN vận tải vẫn chây ỳ không giảm giá cước hoặc giảm nhỏ giọt, đối phó. Tình trạng giá cước vận tải tăng dễ, giảm khó không phải diễn ra lần đầu. Vì sao vậy, thưa ông?

- Xăng dầu chiếm từ 25 - 40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Bên cạnh xăng dầu là các yếu tố khác như phí bến bãi, cầu đường, lương công nhân… Khi giá nhiên liệu đầu vào là xăng dầu giảm, việc giảm giá cước vận tải là yêu cầu tất yếu và chính đáng của khách hàng.
Hành khách xuống bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Hành khách xuống bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Cá nhân tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá cước vận tải tăng nhanh, giảm khó là do cơ chế quản lý giá hiện nay chưa tạo điều kiện thuận lợi cho DN vận tải trong điều chỉnh giá cước. Mỗi lần điều chỉnh giá, DN phải thông báo, kê khai, in vé, bảng cước, kẹp chì thiết bị… Vì cơ chế rườm rà, phức tạp và mất thời gian này mà khi giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng rất nhanh, còn giảm thì DN lại lấy lý do cần thời gian để thực hiện.

Có vẻ như, cơ chế quản lý giá cước vận tải đang “tiếp tay” cho DN trong việc chây ỳ giảm giá cước?

- Tâm lý của nhiều DN là càng giữ được giá cước cao bao nhiêu thì họ càng lợi. Bởi vậy, khi giá xăng dầu tăng cao, dù thủ tục mất nhiều thời gian, họ ngay lập tức điều chỉnh giá cước tăng. Thế nhưng khi giá dầu xăng giảm, họ lại chần chừ, kéo dài thời gian giảm giá do vin vào lý do là “còn chờ thời gian” để thực hiện các thủ tục theo quy định.

Thanh tra một số “ông lớn” làm gương

Có vẻ như các chế tài xử phạt hành vi cố tình không điều chỉnh cước khi giá nhiên liệu đầu vào giảm chưa đủ sức làm DN vận tải sợ?

- Vấn đề ở đây không phải là chế tài xử phạt mà là sự vào cuộc của các cơ quan quản lý để thanh tra, kiểm tra giá cước có thực sự quyết liệt hay không. Còn khi đã thanh, kiểm tra, phát hiện ra những DN cố tình chây ỳ không giảm giá cước, để đảm bảo minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo ra một môi trường thực sự cạnh tranh về giá cho các DN vận tải. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nguyên tắc thị trường luôn phải ưu tiên thị trường. Để có sự cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, Nhà nước cần có cơ chế để tạo môi trường kinh doanh cho các dịch vụ vận tải như Uber, Grab taxi… nhằm tạo sức ép về giá cước với loại hình taxi truyền thống.

Mặt khác, DN không bao giờ tự ý thức từ bỏ quyền lợi mà mình đang có, nên để giải quyết vấn đề “tăng nhanh, giảm chậm”, Bộ Tài chính, GTVT cần có chiến dịch thanh tra một số “ông lớn” trên thị trường vận tải để xem xét biểu giá có hợp lý không; nếu bất hợp lý thì có chế tài xử phạt nghiêm. Từ đó để tạo hiệu ứng dây chuyền cho các DN khác buộc phải giảm giá cước theo để cạnh tranh.

Xin cảm ơn ông!
Mới đây, Sở Tài chính Hà Nội đã có văn bản đề nghị các DN kinh doanh vận tải bằng ô tô tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh vận tải hàng hóa container tiến hành rà soát lại các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu để thực hiện kê khai giảm giá cước. Tại Sở GTVT Hà Nội, gần 200 DN vận tải đã ký cam kết thực hiện công tác kê khai giá cước vận tải theo quy định.