Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác ứng phó thiên tai năm 2021 bộc lộ nhiều hạn chế

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, thiên tai tuy không khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, để lại hậu quả nặng nề về người và thiệt hại rất lớn về kinh tế.

108 người chết và mất tích do thiên tai

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, năm 2021, cả nước đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai. Trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở nguy hiểm.

Các loại hình thiên tai xảy ra trong năm 2021 đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% thương vong về người so với năm 2020). Thiệt hại về kinh tế giảm 87% so với năm 2020, nhưng cũng tổn thất lên tới trên 5.200 tỷ đồng.

Thiên tai để lại hậu quả nghiêm trọng trong năm 2021. Ảnh minh họa.
Thiên tai để lại hậu quả nghiêm trọng trong năm 2021. Ảnh minh họa.

Nhìn nhận khách quan, công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế kéo dài chưa xử lý dứt điểm. Đơn cử như: Vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn. Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ, nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa phát huy tốt hiệu quả.

Khả năng ứng phó với tình huống thiên tai thiên tai lớn còn hạn chế, bị động, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác khắc phục hậu quả triển khai còn chậm, không dứt điểm mặc dù đã có quy định của pháp luật. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của bão, lũ.

Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế. Công tác vận hành, điều tiết lũ hồ chứa còn tồn tại, bất cập. Đặc biệt, nguồn lực cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu, mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế của các địa phương.

9 giải pháp trọng tâm ứng phó thiên tai 2022

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.

Từ diễn biến thiên tai từ đầu năm 2022 đến nay, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nhận định: Thiên tai năm nay sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường. “Sự dị thường của thời tiết đã được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm 2022 đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng, gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021” – ông Trần Quang Hoài thông tin.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai thăm hỏi, động viên gia đình có người thân gặp nạn do thiên tai năm 2021 tại tỉnh Tuyên Quang.
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai thăm hỏi, động viên gia đình có người thân gặp nạn do thiên tai năm 2021 tại tỉnh Tuyên Quang.

Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ nay đến cuối năm, các bộ ngành, địa phương cần tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người dân và cộng đồng. Xác định công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thứ nữa là rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó thiên tai từ Trung ương đến cơ sở.

Các bộ ngành, địa phương cũng cần nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng. Đặc biệt, cần xác định đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai là đầu tư cho phát triển bền vững, vì vậy cần được quan tâm đặc biệt.

Trọng tâm là ưu tiên kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách hàng năm để chủ động thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án về phòng, chống thiên tai. Bố trí ngân sách xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu trước mùa mưa bão 2022…