KTĐT - Được khởi công xây dựng từ năm 1991, nhưng do không được hoàn thiện nên một công trình nhà trẻ tại khu tập thể Nam Đồng đã trở thành bãi hoang.
Nơi đây đã biến thành nơi đổ rác và nơi tiêm chích của “dân nghiện”. Khu nhà bị bỏ hoang, lãng phí, trong khi đó các cháu nhỏ ở đây lại không có khu vui chơi, học tập.
Khi khu tập thể Nam Đồng được hình thành, người dân ở đây đồng thuận việc để lại mảnh đất rộng 2.000m2 liền kề để xây dựng nhà mẫu giáo phục vụ cho việc chăm sóc các cháu của các gia đình. Người dân sống trong khu tập thể Nam Đồng phần lớn là cán bộ, sĩ quan quân đội về hưu. Sau khi hoàn thành việc xây dựng các nhà tập thể, Cty quản lý nhà số 1 được giao nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà mẫu giáo tại đây. Khi đơn vị thi công hoàn thành xong phần khung của toà nhà 2 tầng, chưa có sân và khu vui chơi, thì không hiểu vì lý do gì đơn vị này lại ngừng thi công và cắt cử người ở lại trông coi công trình trong khoảng 3 năm tiếp theo. Sau thời gian này họ bỏ đi, kể từ đó đến nay khu đất này trở thành bãi hoang.
Hiện khu nhà này cỏ dại mọc um tùm và “leo” lên cả tầng 2 của ngôi nhà. Tường, gạch ngôi nhà đang bị vụn nát và rêu mọc phủ xanh. Bà Hoàng Thị Liệu (tổ 17, tập thể Nam Đồng) cho biết: “Sau khi công trình bị bỏ hoang, người dân đã lợi dụng làm nơi đổ rác. Hiện nay, rác và đất thải xây dựng cao ngập cả tường vây. Ngôi nhà mẫu giáo bỏ hoang lãng phí, trong khi đó các cháu nhỏ ở đây lại không có khu vui chơi, học tập”. Chị Thanh (nhà C3, tập thể Nam Đồng) bức xúc: “Gần khu vực này chỉ có Trường Mẫu giáo Sao Mai, nhưng diện tích của Sao Mai rất nhỏ, lại ở lẫn với hộ dân, không gian quá hẹp nên không có chỗ chơi cho các cháu. Mọi hoạt động đều diễn ra trong nhà rất bất tiện. Nhiều gia đình muốn đưa con đến học ở mẫu giáo Trung Tự, nhưng đều bị từ chối vì trái tuyến. Trong khi đó, nhà mẫu giáo bỏ hoang lại trở thành nơi tập kết rác và các đối tượng nghiện ma tuý thường tụ tập để hút chích gây mất an ninh trật tự”.
Hiện khu tập thể Nam Đồng có hàng chục tổ dân phố, mỗi tổ có khoảng 70 – 80 hộ dân, gia đình nào cũng có 1 đến 2 cháu nhỏ đến tầm tuổi đi mẫu giáo, nên việc xây dựng nhà trẻ là nhu cầu hết sức cần thiết. Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cấp chính quyền để xem xét tiếp tục triển khai dự án, song đến nay khu đất này vẫn bị bỏ hoang, lãng phí.
Vì không có nhà mẫu giáo nên trẻ con xung quanh khu vực này không có sân vui chơi, nên bắt buộc phải đá bóng, đạp xe ở ngay mặt đường. Thậm chí, việc họp các tổ dân phố cũng không có địa điểm, nên mọi công việc đều được tiến hành ở góc cầu thang của một toà nhà 5 tầng trông rất nhếch nhác.
Khó xử lý
Ông Nguyễn Đức Hiệp (tổ phó tổ 17, tập thể Nam Đồng) cho biết: “Trong thời gian vừa qua, cứ mỗi lần họp chúng tôi đều nêu ý kiến, đề nghị UBND phường Nam Đồng có biện pháp xử lý, nhưng UBND phường trả lời rằng: Không can thiệp vì khu đất thuộc quyền quản lý của Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Hội Cựu chiến binh cũng từng đưa ra giải pháp là đề nghị mượn khu đất này để cải tạo biến thành nơi vui chơi cho trẻ nhỏ, tập thể dục hoặc chơi cờ cho người già nhưng UBND phường nói không quyết định được”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - cán bộ địa chính phường Nam Đồng - cho biết: “UBND phường nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân về thực trạng của khu đất này. Tuy nhiên, đơn vị chủ quản của khu đất là Tổng cục Hậu cần, UBND phường Nam Đồng chỉ là đơn vị phối quản, nhiệm vụ chủ yếu là quản lý trật tự xây dựng và an ninh người dân khu vực, còn việc giải quyết những kiến nghị của nhân dân về khu đất không thuộc thẩm quyền của UBND phường. Khi nhận được những đơn thư này, cán bộ UBND phường cũng phản ánh lại, gửi báo cáo lên Phòng Quản lý nhà đất – Tổng cục Hậu cần hoặc hướng dẫn người dân trực tiếp lên cơ quan đúng thẩm quyền để làm việc, song đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong mỗi lần tiếp xúc cử tri, vấn đề này đều được đem ra bàn bạc. Ngoài ra, UBND phường đều có báo cáo gửi lên Phòng Quản lý nhà đất, Tổng cục Hậu cần về thực trạng của khu mẫu giáo tập thể Nam Đồng với mong muốn Thanh tra Quốc phòng tới địa bàn giải quyết vụ việc. Nhưng cho đến nay, dù báo cáo vẫn được gửi đều đặn, song chưa hề có bất kỳ một công văn phúc đáp nào từ Tổng cục Hậu cần về vấn đề kể trên”.