Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công trình sai phép, không phép phải phá dỡ: Bịt kẽ hở… phạt cho tồn tại

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm xây dựng có hiệu lực từ 15/1 được ví như liều thuốc cực mạnh hạn chế công trình xây dựng trái phép. Việc tăng chế tài xử lý lên ngưỡng cao nhất đang nhằm tiệt triêu 2 đối tượng chính: Chủ đầu tư và nhóm bảo kê sai phạm.

Điểm chờ 60 ngày
Số liệu năm 2017 cho thấy tình trạng xây dựng sai phép, không phép diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước. Điều dư luận quan tâm là đối với các công trình xây dựng, muốn được phê duyệt và triển khai phải qua nhiều cấp thẩm quyền. Chưa kể đội ngũ thanh tra xây dựng phủ sóng khắp quận, huyện. Tại sao vẫn không kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ra sai phạm? Liệu có sự bao che, bảo kê hay buông lỏng quản lý?
 Thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm tại khu vực Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công 
Trong khi đó, giới luật sư nhận định việc nhờn luật trong trật tự xây dựng, dễ nhìn thấy trước nguyên nhân chủ quan. Then chốt nhất do chế tài xử lý của cơ quan quản lý chưa đủ sức răn đe. Giải pháp phạt cho tồn tại thoạt nghe có vẻ nhân đạo, tránh lãng phí, nhưng thực tế đang khiến sai phạm gia tăng.

Từ thực tế đó, Nghị định 139 ra đời, với quy định chặt chẽ hơn là yêu cầu chủ đầu tư phải phá dỡ công trình làm sai, xây liều, xây không phép. Nhận định chung của nhiều chuyên gia quy hoạch – xây dựng là Nghị định mới siết chặt quy trình quản lý xây dựng hơn và có khả năng làm thay đổi trật tự xây dựng theo hướng tích cực. Rõ ràng, quy định về chế tài xử phạt trong lĩnh vực xây dựng phải kiên quyết mới giữ vững được trật tự xây dựng. Vấn đề còn lại là sòng phẳng, rõ ràng giữa cơ quan quản lý Nhà nước với chủ công trình.

Mới nhất và được bàn luận sôi nổi là quy định tại Điều 15, cho phép chủ công trình trong khoảng thời gian 60 ngày (kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính) làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng sai phép. Sau khoảng thời gian trên, chủ công trình xuất trình được giấy phép xây dựng phù hợp, công trình được tiếp tục thi công theo giấy phép. Ngược lại, ngay lập tức phải tiến hành đập bỏ phần vi phạm.

Giải thích về “điểm chờ” 60 ngày này, theo đại diện Bộ Xây dựng, đây là một bước tạo điều kiện cho chủ công trình “thêm lần nữa khắc phục sai phạm”. Trong tình hình thực tế hiện nay khi mà công tác quy hoạch chưa phủ kín, việc xin giấy phép xây dựng còn khó khăn, chỉ áp dụng trong giai đoạn quá độ cho phù hợp với tình hình của các địa phương. Áp dụng Nghị định 139, ai bao che, ai để tồn tại sẽ biết và xử lý ngay.

Không thể loanh quanh phần ngọn

Ở góc độ chủ công trình, không ít người dân phản ánh, nhà xuống cấp muốn xây mới không được, sửa chữa, cải tạo cũng không xong vì lỡ nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên, tình trạng quy hoạch "treo" từ năm này sang năm khác khiến đời sống người dân hết sức khốn khổ. Vì lẽ đó, song song với xử lý chủ công trình sai phạm cũng cần xử lý người quy hoạch không đúng.

TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu dẫn chứng hàng loạt chung cư vượt tầng, khu đô thị phá vỡ quy hoạch nhưng “đâu vào đấy” rồi mới bị phát hiện. Liệu có sự "chống lưng", bao che đằng sau vi phạm và cách hợp thức hóa những vi phạm đó hay không? Ông Liêm thẳng thắn phân tích, người dân bình thường mới đổ đống cát giữa nhà đã thấy bóng dáng Thanh tra xây dựng, lực lượng đô thị xuất hiện hỏi thăm. Trong khi có những công trình xây dựng ngang nhiên sai phạm giữa thanh thiên bạch nhật lại được "ngó lơ". Nhiều sai phạm ở các dự án, công trình lớn, thậm chí xây dựng trên đất nông nghiệp, đất quân sự không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Đến khi công trình xong, cơ quan chức năng mới phát hiện, sau đó cho phép tồn tại. Phải cào bằng tất cả các loại công trình sai phạm với một khung phạt thật nghiêm khắc. Chủ công trình riêng lẻ hay khu đô thị, khi xây dựng sai phép, không phép cũng đều phải đập bỏ.

Đồng quan điểm, theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, vi phạm xây dựng giống như quả bom nổ chậm không biết nổ lúc nào. Việc bỏ quy định cho nộp tiền để tồn tại công trình sai phạm và buộc tháo dỡ phần diện tích vi phạm là chế tài cần thiết để răn đe chủ đầu tư cố tình vi phạm. Dù vậy, tình trạng xây dựng sai phép có giảm hay không lại cần sự thực thi nghiêm minh quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Không chỉ chế tài chủ đầu tư vi phạm mà còn cần những quy định ràng buộc trách nhiệm, chế tài đối với lực lượng quản lý.

Trong khi đó, về quy định phá dỡ công trình sai phạm, thạc sỹ Nguyễn Tuấn Minh – chuyên gia kiểm định xây dựng đánh giá rất phức tạp. “Phần lớn nhà cao tầng nằm lẫn trong khu dân cư. Việc thực hiện phá dỡ phần công trình vi phạm vì thế rất khó khăn, đặc biệt, những phần vi phạm thuộc phần ngầm không thể phá dỡ vì sẽ loại bỏ gần như toàn bộ công trình cả ở phần chìm lẫn phần nổi nếu đã thi công xong một phần hoặc toàn bộ phần thân... Do đó, cần kiểm soát chặt trước khi công trình rõ “hình hài”, giải quyết từ “gốc” bao giờ cũng dễ dàng hơn trên “ngọn” – ông Minh cho hay.

Tại Hà Nội, năm 2017, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 17.422 công trình, số công trình có vi phạm 1.916 công trình; UBND cấp xã, cấp huyện đã xử lý vi phạm 1.571 trường hợp; ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 12 tỷ đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng TP cho biết, kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động xây dựng trong năm 2017 tăng so với năm 2016. Trong đó, số công trình xây dựng sai phép: 856 trường hợp, tăng 140 trường hợp và xây dựng không phép: 1.216 trường hợp, tăng 135 trường hợp.