Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công trình trùng tu, tôn tạo đền Sài Thị Thượng: Kết nối tinh thần đoàn kết

Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/4/2023, công trình trùng tu, tôn tạo đền Sài Thị Thượng (xã Thuần Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên) sẽ được khánh thành. Đền thờ 2 vị Lỗ Công và Nghi Công là tướng thủy quân của Vua Hùng thứ 18.

Hai vị cùng quân sĩ chặn đánh, truy đuổi giặc từ sông Kim Ngưu qua sông Hàm Tử đến sông Bạch Hạc thì đánh tan quân Tây Thục. Sau thắng lợi, hai vị được Vua Hùng phong là Nguyên soái. Các triều đại sau đều phong sắc và cho phép Nhân dân được thờ cúng lâu dài.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nghiên cứu nội dung sắc phong cổ tại đình làng Sài Thị  
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nghiên cứu nội dung sắc phong cổ tại đình làng Sài Thị  

Những ngày này, người dân thôn 3 (tên cũ của làng Sài Thị, xã Thuần Hưng) đang náo nức chuẩn bị cho việc khánh thành đền thờ hai danh tướng Lỗ Nha, Nghị Chú. Tích xưa kể rằng, từ thời Hùng Vương, có hai anh em sinh đôi là Lỗ Nha, Nghị Chú đã giúp nước đánh giặc, lập công. Sau đó, hai vị tướng về sinh sống tại làng Sài Thị, khai hoang, dạy bảo cày cấy, giúp cho dân làng ngày càng giàu có. Ðể tưởng nhớ công lao, người dân đã xây dựng ngôi đền thờ hai danh tướng.

Vừa qua, người dân làng Sài Thị một lần nữa đoàn kết, đóng góp kinh phí, công sức xây dựng lại ngôi đền thờ hai danh tướng Lỗ Nha, Nghị Chú trên nền móng ngôi đền làng cũ bị xuống cấp theo dấu thời gian. Sau một thời gian xây dựng, Nhân dân chọn đúng ngày 10/3 âm lịch (ngày Giỗ Tổ Hùng Vương) tới đây để khánh thành đền Sài Thị Thượng - nơi thờ tự các vị tướng dưới thời Hùng Vương.

Là một ngôi làng cổ, Sài Thị còn gắn liền với địa danh bến Ðại Mang (hay Ðại Mang Bộ). Qua nghiên cứu sắc phong cổ tại đình làng Sài Thị và căn cứ vào các tài liệu sử học, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho rằng, địa danh Ðại Mang Bộ chính là vùng đất thuộc xã Thuần Hưng và các xã chung quanh ngày nay.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông năm 1285, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông từ Trường Yên (Ninh Bình) và Thiên Trường (Nam Ðịnh) tiến quân bằng đường sông và dừng lại tại Ðại Mang Bộ để bàn kế sách. Sau đó, quân và dân nhà Trần đã đánh và chiến thắng các trận Hàm Tử, Tây Kết (cũng trên địa bàn huyện Khoái Châu) nổi tiếng. Những chiến thắng này góp phần quan trọng vào việc quét sạch 500 nghìn quân giặc ra khỏi bờ cõi khi chúng sang xâm lược nước ta lần thứ hai.

Đền Sài Thị Thượng sau khi được trùng tu, tôn tạo  
Đền Sài Thị Thượng sau khi được trùng tu, tôn tạo  

Tiếp nối truyền thống đó, làng Sài Thị cũng là nơi ghi dấu sự ra đời của Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Hưng Yên 84 năm về trước. Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Tiến Trạc, cán bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội về gây dựng cơ sở ở Sài Thị. Ðến cuối năm 1929, Chi bộ Ðông Dương Cộng sản Ðảng Sài Thị được thành lập. Ðây là chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của Hưng Yên. Chi bộ được thành lập dưới bóng đa Sài Thị, với bảy đảng viên đầu tiên. Cây đa Sài Thị cũng là địa điểm liên lạc, hội họp của chi bộ. Nhờ được Nhân dân ủng hộ, che chở, "đốm lửa nhỏ" ấy đã lan tỏa mạnh mẽ. Phong trào cộng sản đã không ngừng lớn mạnh, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh Hưng Yên.

Bao năm trôi qua, cây đa cổ thụ lịch sử chứng kiến sự kiện trọng đại của Hưng Yên vẫn sừng sững soi xuống dòng sông Giàn hiền hòa. Dưới bóng đa ấy, một nhà bia tưởng niệm được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên dựng lên để lưu dấu sự kiện lịch sử.  

Ðó cũng là biểu hiện của lòng tôn kính với lớp người đi trước, là lời nhắc nhở thế hệ sau để tự hào và sống xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha ông. Việc tiếp tục tôn tạo di tích lịch sử cách mạng cây đa Sài Thị, kết hợp xây dựng công trình văn hóa tâm linh Ðại Mang Bộ là hết sức cần thiết với người dân nơi đây, thắp sáng thêm truyền thống kết nối tinh thần đoàn kết của Nhân dân.