Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công ty Cổ phần 22: Sắp xếp, đổi mới để phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty CP 22 tiền thân là Xí nghiệp 22 (sau đổi thành Công ty 22) với nhiệm vụ chủ yếu là chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ cho quân đội.

Năm 2007, thực hiện việc sắp xếp đổi mới DN, Công ty 22 được chuyển đổi thành Công ty CP 22 (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), mở rộng phát triển thêm các ngành nghề phục vụ dân sinh và xuất khẩu.
Mở rộng thị trường

Đại tá Trương Ngọc Toán – Chủ tịch HĐQT Công ty CP 22 cho biết, việc thực hiện sắp xếp, đổi mới DN được coi là bước ngoặt để phát triển và hội nhập của công ty. Về mô hình tổ chức, công ty có 3 xí nghiệp thành viên, 2 trung tâm, một trường mầm non, 5 phòng chức năng với hơn 360 cán bộ, nhân viên, người lao động chủ yếu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngành nghề chủ yếu là sản xuất, phục vụ cho quân đội như cơ kim khí, quân trang nhưng từ năm 2015 trở lại đây, Công ty CP 22 đã mở rộng phát triển thêm các ngành nghề phục vụ dân sinh và xuất khẩu như đồ gia dụng, nước đóng chai...
Ông Trương Ngọc Toán giới thiệu với Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng và các DN về sản phẩm của Công ty CP 22. Ảnh: Khắc Kiên
Trong năm qua, cùng với việc mở rộng thị trường các sản phẩm bánh quy, lương khô truyền thống, công ty đã tích cực nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật an toàn, dễ hấp thụ trong các sản phẩm chất lượng cao đặc biệt các loại lương khô cao cấp Golfman, lương khô mặn Ashitaba Drem b221nes… Các mặt hàng cơ kim khí đã từng bước khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, hệ thống mạng lưới phân phối của công ty trải dài khắp cả nước, riêng TP Hà Nội có trên 250 điểm và đại lý phân phối bán hàng, doanh thu của công ty đạt trên 370 tỷ đồng/năm và năm 2016 đạt 400 tỷ đồng.

“Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty cũng đặc biệt chú trọng đến việc chăm lo đời sống CBCNV. Với việc đưa vào hoạt động trường mầm non để chăm sóc, nuôi dạy các cháu là con em CBCNV công ty và các cháu khu vực địa bàn đóng quân. Đây là chính là sự quan tâm của công ty đối với người lao động, tạo động lực giúp họ yên tâm công tác, góp phần vào sự phát triển của DN” – Đại tá Trương Ngọc Toán nói.

Mong được tháo gỡ

Liên quan đến vấn đề sản xuất các mặt hàng dân sinh, tại hội nghị cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh ATTP Tết Nguyên đán năm 2018 do Sở Công Thương, Hiệp hội DNVVN TP Hà Nội và báo Kinh tế & Đô thị tổ chức mới đây, trên cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, Đại tá Trương Ngọc Toán nhấn mạnh: Đây là sự kiện rất thiết thực giúp cho các DN và nhà phân phối tìm kiếm cơ hội hợp tác, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nhất là đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm.

Riêng Công ty CP 22, thực hiện sứ mệnh “Mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm ưu việt, tiện ích, an toàn, giàu dinh dưỡng” sẽ tập trung vào sản xuất, chế biến các mặt hàng lương thực thực phẩm, chủ yếu là lương khô, các loại bánh quy, bánh hộp, nhất là mứt Tết từ bình dân đến cao cấp đảm bảo chất lượng VSATTP. Theo Đại tá Trương Ngọc Toán, để làm tốt việc này, mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ giúp đỡ của T.Ư, UBND TP Hà Nội, Sở Công Thương…

Từ thực tế của đơn vị mình, Đại tá Trương Ngọc Toán kiến nghị, TP xem xét cấp giấy phép lưu hành đặc thù cho các xe tải của Công ty có trọng lượng từ 1,25 tấn đến 5 tấn phục vụ quốc phòng được phép tham gia giao thông ngoài giờ cao điểm trên tuyến đường “Cầu Diễn - Vành đai 3 - Ngọc Hồi - Thường Tín vào tất cả các ngày trong tuần.

"Với nhiệm vụ và kết quả sản xuất, kinh doanh hằng năm luôn tăng trưởng nên những năm qua công ty luôn nhận được những phần thưởng xứng đáng. Năm 2016, Công ty CP 22 đã vinh dự được nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Đây là động lực để công ty không ngừng phát triển, mang tới cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, an toàn." - Đại tá Trương Ngọc ToánChủ tịch HĐQT Công ty CP 22