Công ty CP Công nghệ An Vui: Kết nối hành trình “đi an, về vui”

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thấu hiểu mỗi chuyến đi an toàn thì nghìn trái tim cùng vui nên anh Phan Bá Mạnh (SN 1981) - Founder & CEO Công ty CP Công nghệ An Vui đã dấn thân vào lĩnh vực đầy gai góc với khát vọng tạo nên những hành trình “đi an, về vui” trong lĩnh vực vận tải hành khách ứng dụng công nghệ quản trị 4.0.

Gian nan khởi nghiệp
Từng được biết đến là một startup đam mê về công nghệ nhưng Phan Bá Mạnh phải khởi nghiệp đến… 3 lần. Lần đầu thành công với ATO – DN về mã vạch và giải pháp siêu thị. Tuy nhiên, với dự án GreenTech - dịch vụ giặt là công nghiệp và Dobody (đồ bỏ đi) - ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa trên internet, anh lại thất bại. Sau đó, anh thành lập Công ty Công nghệ Vận tải An Vui.

Anh Mạnh chia sẻ, trước tình trạng nhiều nhà xe nhồi nhét, coi thường khách hàng, cùng với khảo sát số liệu nghiên cứu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, anh nhận thấy ngành vận tải đang rất nóng. Sau nhiều tháng nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng An Vui được đưa ra thị trường tháng 7/2017 nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối trong thị trường vận tải, mang đến giải pháp quản trị tổng thể bằng công nghệ cho đơn vị vận tải hành khách đường dài, giúp mỗi nhà xe chuyển mình từ truyền thống sang nhà xe công nghệ.
 Founder & CEO An Vui Phan Bá Mạnh (ngoài cùng, ảnh trái) cùng các cộng sự. Ảnh: Trần Thảo
Giải pháp của An Vui là mở rộng kênh phân phối vé cho nhiều sàn bán vé khác nhau, bảo mật thông tin hành khách, giúp nhà xe tiếp cận trực tiếp hành khách để chăm sóc và phụ vụ tốt nhất. Nhờ đó, DN vận tải công nghệ có thể tiết kiệm 30% chi phí nhân sự vận hành, 60% chi phí điện thoại và tăng đến 30% doanh thu bán vé. CEO An Vui quan niệm: “Sàn bán vé chỉ là đầu ra của sản phẩm. Điều quan trọng nhất với ngành vận tải là phải tối ưu hóa được sản phẩm, đó là chi phí xăng dầu, chi phí vận hành. Từ đó, chúng tôi xây dựng một hệ quản trị dành cho quản lý, công tác vận hành”.

Vận tải thời 4.0

CEO An Vui cho hay, công nghệ vượt trội và những tính năng sáng tạo đã giúp nhà xe quản lý toàn bộ quá trình hoạt động. Đặc biệt, khi ứng dụng giải pháp phần mềm của An Vui, nhà xe hạn chế tối đa được thất thoát và chi phí điện thoại, đồng thời tăng doanh thu bán vé sau khi ứng dụng; cùng với sàn vé điện tử giúp cho nhà xe có thêm một kênh bán vé, tăng doanh thu và giám sát mọi hoạt động kinh doanh. Tất cả được hoạt động đồng bộ và tích hợp với nhau.

Theo phân tích của anh Mạnh, An Vui tối ưu quy trình quản lý điều hành trên một hệ thống tổng thể thông minh. Để chủ nhà xe liên tục nắm bắt mọi hoạt động và có bức tranh tổng thể về tình hình kinh doanh nhằm đưa ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, các bộ phận nghiệp vụ có thể thao tác dễ dàng và làm việc đạt năng suất cao trên những phân hệ khác nhau, như: Bán vé, kế toán, kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng... Ngoài ra, ứng dụng cho phép tài xế và phụ xe nắm bắt rõ lịch làm việc, đồng thời đón trả khách đúng vị trí. Hành khách có thể đặt vé của nhà xe qua website và App mang thương hiệu riêng của nhà xe hoặc sử dụng App An Vui để đặt vé mà không cần phải ra bến.

Anh Mạnh cũng cho biết, mô hình kinh doanh của An Vui là hành khách mua vé, nhà xe cung cấp dịch vụ vận chuyển. An Vui hưởng từ nguồn nhà xe trả phí hàng tháng theo giao dịch sau khi cung cấp chi phí khởi tạo theo moduel. Đến nay, sau hơn một năm ra mắt, An Vui chỉ mới thu tiền được 6 tháng. Và sau 6 tháng, An Vui có hơn 400.000 vé và 93 tỷ đồng tiền vé chạy qua hệ thống. “Hiện tại, An Vui đã triển khai được 70 nhà xe và giai đoạn quan trọng nhất chính là tư vấn trước khi bán hàng” - CEO An Vui nhìn nhận.

Thời điểm này, An Vui đang muốn gọi vốn 500.000 USD với số cổ phần là 10% để phát triển mô hình kinh doanh. Trong thời gian tới, An Vui có kế hoạch kêu gọi vốn ở 2 nước Lào và Camphuchia. Cùng với đó là sử dụng 60% lượng vốn đầu tư nhằm bỏ bớt chi phí khởi tạo để tăng trưởng số lượng khách hàng; 20% dùng để phát triển hoàn thiện sản phẩm và 20% sử dụng để mở rộng quy mô và liên kết với các DN bản địa.