Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn: Chuyển mình để hội nhập

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giúp các DN sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) chuyển mình để hội nhập, cuối tuần qua, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) phối hợp với báo Kinh tế & Đô thị và Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn tổ chức chương trình “Cà phê Doanh nhân” với chủ đề: “Ứng dụng đổi mới công nghệ trong sản xuất VLXD, trang trí không gian, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thiết kế đồ hoạ 3D”.

Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh cho biết, trong điều kiện kinh tế chưa phát triển, hoạt động xây dựng chỉ phục vụ cho các công trình nhỏ với hình thức đơn giản và kỹ thuật thô sơ. Khi nền kinh tế phát triển, xây dựng đã trở thành một ngành sản xuất vật chất quan trọng. Thực tế hiện nay, hầu hết các DN xây dựng đủ sức đảm nhận thi công những công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, DN VLXD có nhiều cơ hội để phát triển nhưng không chỉ đầu tư về công nghệ, chất lượng, các DN còn phải cải tiến mẫu mã, thu hút khách hàng.

Các DN tham quan gian trưng bày sản phẩm mẫu áp dụng công nghệ Italy tại Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn. Ảnh: Khắc Kiên

Ông Nguyễn Trọng Kiên - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn chia sẻ, với bề dày gần 60 năm sản xuất VLXD, trước đòi hỏi của thị trường, công ty đã lựa chọn công nghệ của Italia để tạo ra sản phẩm thương hiệu riêng. Gần đây, ngành sản xuất VLXD thế giới đã áp dụng công nghệ in kỹ thuật số. Công ty Thạch Bàn cũng mạnh dạn đi đầu đưa các sản phẩm nhiên liệu sạch vào sản xuất nhằm thay đổi mẫu mã sản phẩm, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí... đáp ứng các thị trường khó tính” – ông Kiên cho biết.

Đồng thời, lãnh đạo Công ty Thạch Bàn cũng khuyến cáo, ngoài việc dành nguồn vốn đầu tư cho công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, các DN cũng cần tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn hóa cao. Làm được điều đó, sẽ khắc phục khó khăn trong việc kết nối, vận hành các thiết bị công nghệ mới. Với thị trường trong nước, hiện Công ty Thạch Bàn đã phủ sóng 3 miền. Ngoài ra, với thị trường xuất khẩu, sản phẩm của công ty đã đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khó tính như Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu… đòi hỏi cao.

Theo các chuyên gia, ngoài việc nghiên cứu, dành nguồn vốn đầu tư cho công nghệ, các đơn vị sản xuất VLXD cần chú trọng khuyến khích cán bộ, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào thực tế. Tại chương trình, nhiều DN cũng đã trình bày nhiều cơ hội và khó khăn, thách thức khi ứng dụng đổi mới công nghệ trong sản xuất VLXD. Vì thế, rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là tạo ra những cơ quan làm cầu nối cho các DN hợp tác, sản xuất.

Nhìn nhận về vấn đề này, lãnh đạo Hanoisme cho biết, hiện các DN đã tuyển đội ngũ nhân lực trẻ vào để có thể tiệm cận được các công nghệ thì đội ngũ cán bộ công chức quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi để tiệm cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện Hanoisme đã làm việc với Bộ KH&CN, mời các chuyên gia đầu ngành về KH&CN đến hỗ trợ và tư vấn hình ảnh, quản trị cho các DN Việt Nam để tiệm cận dần các công nghệ tiên tiến của các nước phát triển… “Chỉ có đầu tư công nghệ, nhập khẩu công nghệ để đưa ứng dụng 3D lên bề mặt thay đổi sản lượng, chất lượng sản phẩm được cải tiến, không chỉ bền đẹp mà còn tăng tính cạnh tranh. Do đó, ngành xây dựng phải chuyển mình để đáp ứng yêu cầu hội nhập” - ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Tại chương trình, ông Mạc Quốc Anh thêm một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa của việc hợp tác giữa báo Kinh tế & Đô thị và Hanoisme trong thời gian qua. Đặc biệt khẳng định, Kinh tế & Đô thị đã có những chuyên trang, chuyên mục trên cả báo giấy, báo điện tử… để truyền tải thông tin, giới thiệu sản phẩm, phản ánh tâm tư nguyện vọng của cộng đồng DN đến các cấp quản lý và độc giả. Kinh tế & Đô thị thực sự là cầu nối, tiếng nói của các DN.