Công ty kiểm định vàng ra đời, có triệt được gian lận?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Nguyễn Thanh Trúc – Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng thông tin, khoảng 1 tháng nữa, Công ty kiểm định vàng bạc, đá quý Việt Nam sẽ đi vào hoạt động.

Vẫn đủ chiêu gian lận 

Ông Túc cũng khuyến cáo khi mua vàng, nhất là vàng trang sức, ngoài xem tem, nghe nhân viên bán hàng giới thiệu, khách hàng nên yêu cầu cân trang sức đó. Công ty sẽ hoạt động ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… trước sau đó sẽ mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác. Người dân chỉ cần mang sản phẩm tới tận nơi sẽ được kiểm định miễn phí chất lượng vàng.

Thực tế không phải bây giờ việc kiểm định vàng mới được đề cập. Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ KH-CN tất cả vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu về đo lường và chất lượng. Người tiêu dùng phải có quyền được mua vàng trang sức có đúng hàm lượng vàng, khối lượng vàng như nhà sản xuất đã công bố. Các DN thực hiện việc ghi nhãn, công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm vàng hiện nay đã lưu thông trên thị trường.
Ảnh minh hạ
Ảnh minh họa
Tổng cục TC đo lường Chất lượng sau đó cũng đã chỉ định các tổ chức được thử nghiệm, xác định hàm lượng vàng, đó là: Trung tâm Kỹ thuật TC ĐL CL 1 (tại Hà Nội); Trung tâm Kỹ thuật TC ĐL CL 3 (tại TP.Hồ Chí Minh); Viện Ngọc học và Trang sức Doji, Tòa nhà Ruby Plaza, 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội; Công ty TNHH Một thành viên Giám định PNJ, Số 52A – 52B Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh; Công ty TNHH Một thành viên Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn – SJC, Số 418-420 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Đồng Nai, Số 1597 Phạm Văn Thuận, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên kể từ sau khi Thông tư 22 có hiệu lực, tình trạng vi phạm vẫn khá nghiêm trọng, vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện theo kiểu đối phó,.

Theo một số người trong giới kinh doanh vàng trang sức thì tình trạng trang sức vàng thiếu tuổi khá phổ biến. Nhiều cửa hàng báo với khách hàng là vàng 18K - tức 7,5 tuổi nhưng thực tế, có khi tuổi vàng chỉ ở mức 6,8 tuổi hoặc thấp hơn. Hoặc khi mua vàng thì DN tính tiền đá bằng tiền vàng khi bán thì trừ đá tính mỗi vàng… khiến người dân chịu thiệt đủ đường.

Theo kết quả tổng hợp mới nhất về thanh, kiểm tra 1.718 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vàng, mỹ nghệ, Bộ KH&CN phát hiện 432 cơ sở (25%) có vi phạm. Hành vi vi phạm tập trung vào các vấn đề như ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, sử dụng cân không kiểm định, cân không đạt yêu cầu về đo lường, cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp chính xác, hàm lượng vàng không đạt theo công bố.

“Qua hoạt động thanh, kiểm tra trong thời gian qua có thể thấy rằng, việc thực hiện các quy định về đo lường, chất lượng và ghi nhãn còn chưa đúng (chỉ thể hiện hàm lượng vàng, mã ký hiệu; không có các nội dung khác theo quy định tại Thông tư 22 như tên hàng hóa, tên cơ sở sản xuất, nhập khẩu...); hàm lượng vàng của một số mẫu thử nghiệm không đúng theo tiêu chuẩn công bố, sử dụng phương tiện đo có phạm vi và cấp chính xác chưa phù hợp cho các sản phẩm có khối lượng nhỏ hơn 200g đang được kinh doanh tại cửa hàng; việc lưu giữ hồ sơ chất lượng, hồ sơ tự kiểm tra phương tiện đo chưa được thực hiện”, ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết.

Phải mạnh tay xử lý

Theo số liệu thống kê, hiện có hơn 10.000 đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh nữ trang, bao gồm cả các chành, vựa, tiệm vàng... trong đó nhiều đơn vị làm gia công nhỏ tại nhà, không đăng ký kinh doanh. Hầu hết tiệm vàng nhỏ lẻ đều lấy hàng từ các chành hoặc tự gia công chứ rất ít bán vàng của các công ty có tên tuổi. Do vậy tuổi vàng là do các chủ tiệm tự quyết định và không ai có thể kiểm soát.

Từ kết quả thanh, kiểm tra năm 2015, Bộ KH&CN quyết định triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2016. Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ KH&CN cho biết, cuộc tổng thanh tra này được tiến hành từ tháng 7 đến tháng 9/2016 nhằm làm minh bạch hóa thị trường, chấn chỉnh lại việc sản xuất kinh doanh vàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mới đây, Đồng Nai đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tất cả các DN kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học - công nghệ tỉnh khuyến cáo, người dân có vàng và hóa đơn xuất xứ nguồn gốc có thể mang tới Sở Khoa học - công nghệ để được kiểm định chất lượng, nếu bị DN gian lận Sở sẽ kiểm tra xử lý đối với DN bán vàng kém chất lượng.

Nhiều vấn đề đang được đặt ra với Bộ KH&CN như: Xử lý như thế nào đối với vàng nữ trang hiện đang lưu hành và đang được giữ trong dân, việc chuẩn hóa thiết bị đo hàm lượng vàng thì đơn vị nào chịu trách nhiệm, quy định về việc cấm sử dụng những chất gây hại trong nữ trang là như thế nào, hay nếu vi phạm thì mức xử phạt sẽ là bao nhiêu?  

Để thiết lập lại trật tự thị trường vàng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải cho hay: “Hiện Bộ KH&CN đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó bổ sung thêm các hành vi vi phạm về lưu thông vàng trang sức và mỹ nghệ”.

Về phía NHNN, ông Nguyễn Hoàng Minh (phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM) cho biết, "Nếu phát hiện vi phạm chất lượng vàng nữ trang, Sở Khoa học và công nghệ sẽ lập biên bản xử lý và gửi kết quả về cho Ngân hàng Nhà nước TP.HCM để nơi này rút giấy phép".