Công ty Vikhapack thách thức cơ quan chức năng, tiếp diễn xả thải ô nhiễm ra môi trường?

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc cho người dân và báo chí nhiều lần phản ánh, chính quyền xử phạt... tuy nhiên công ty Vikhapack vẫn duy trì hành vi xả thải ô nhiễm ra môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống của người dân địa phương.

Người dân kêu cứu!

Như báo Kinh tế và Đô thị đã đăng nhiều bài phản ánh việc, Công ty TNHH Bao bì Vĩnh Khang (công ty Vikhapack, địa chỉ: 34/2T, đường Cây Bài, ấp 6, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) nhiều năm liền có hành vi xả khói thải ô nhiễm ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, cuộc sống của người dân địa phương.

 Công ty Vikhapack thành lập năm 2009 với hoạt động sản xuất sản phẩm là thùng giấy (bên trong nhà máy của công ty Vikhapack)

Theo tìm hiểu của PV, hành vi sai trái của công ty Vikhapack đã nhiều lần bị cơ quan chức năng cảnh cáo, xử phạt. Cụ thể, ngày 2/5/2019, UBND huyện Củ Chi đã có văn bản đề nghị ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Vikhapack chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh tham mưu UBND TP ban hành quyết định xử phạt 162 triệu đồng.

Được biết, lần xử phạt này không phải là lần đầu tiên. Trước đó, cũng với hành vi tương tự công ty Vikhapack cũng đã bị UBND huyện Củ Chi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 50 triệu đồng (ngày 15/8/2018).

Đồng thời, ở cả hai lần xử phạt nói trên, UBND huyện Củ Chi đều có điều khoản buộc Vikhapack phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trước khi thải ra môi trường.

Tuy nhiên, mới đây trong đơn phản ánh gửi đến Báo Kinh tế & Đô thị (VPMN), hàng chục hộ dân đang sinh sống tại tổ 6, ấp 6, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi đồng loạt ký tên kêu cứu. Theo đó, bà con mong mỏi báo chí lên tiếng, chính quyền can thiệp, để giúp hàng trăm con người sớm thoát khỏi nổi ám ảnh về ô nhiễm môi trường mà công ty Vikhapack đã gây ra nhiều năm nay.

Đại diện người dân, bà L.T.H (SN 1940, ngụ xã Vĩnh Phước An, Củ Chi) cho biết, công ty Vikhapack sau 2 lần bị xử phạt vẫn không có biện pháp khắc phục tình trạng khói thải ra môi trường.

 Sau khi bị xử phạt 162 triệu đồng, Vikhapack vẫn tái diễn việc xả khói thải ô nhiễm ra môi trường

“Thời tiết vào những ngày mưa ẩm, mùi hôi từ ống khói của công ty Vikhapack nồng nặc giống mùi của nilong, keo bị đốt cháy…khiến chúng tôi cảm giác đau đầu, mệt mỏi và khó thở. Trong khi bà con chúng tôi đang từng ngày từng giờ đấu tranh bảo về sức khoẻ của bản thân và con em mình, thì chính quyền địa phương vẫn vô cảm đến lạnh lùng. Sau bao nhiêu nỗ lực, những gì chúng tôi nhận lại chỉ là công ty Vikhapack bị phạt và nộp phạt, còn chúng tôi vẫn phải “sống chung với lũ” từ ngày này qua ngày khác”, bà L.T.H bức xúc.

Từng là một trong những hộ dân đấu tranh mạnh mẽ nhất, chị C (một người dân địa phương) cho biết, cứ mỗi lần công ty Vikhapack có lịch bị môi trường kiểm tra, là cả ngày trước đó nhân viên của công ty này dọn dẹp nguyên ngày để đối phó. 

“Mấy hôm trước, ông sếp bên Vikhapack mò qua tới tận nhà chị. Vào nhà nói bóng gió, nào là vợ chồng trẻ mà thành công như thế này thì nên tập trung vào công việc…”, chị C vừa nói vừa tỏ ra lo lắng.

Cũng theo chị C, có những ngày mà Vikhapack xả khói nhiều đến mức, sáng sớm mở cửa ra bầu trời mịt mù khói, nếu không phải là người dân địa phương thì lại tưởng là nhà ai đang cháy. Đáng nói hơn, ngoài việc xả thải công ty Vikhapack còn xả rác ra môi trường, thậm chí là vứt rác luôn trong những khu vực thuộc khu dân cư sinh sống đông đúc.

Đối phó kiểu “bình mới rượu cũ”?

Để làm rõ những phản ánh của người dân, ngày 12/10, PV Báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi làm việc ngay tại trụ sở của Công ty Vikhapack. Trả lời PV về những phản ánh của người dân, đại diện công ty Vikhapack – ông Nguyễn Trọng Tín cho biết, trước giờ công ty chỉ đốt bằng củi ép. Chắc chắn không có chuyện đốt nhựa như người dân phản ánh, vì nếu đốt nhựa sẽ ảnh hưởng đến hệ thống của lò hơi.

 Nhân viên của công ty Vikhapack chở rác đi vứt ngay trong khu dân cư (ảnh do người dân cung cấp)

“Hiện tại thì công ty đốt bằng củi ép, sắp tới đây thì nâng cấp lò hơi lên thì sẽ chuyển sang đốt bằng than Indonesia. Như vậy thì sẽ không có khói nữa, thêm vào đó công ty sẽ đốt lại lần 2 trước khi khói bụi qua bể lắng, bể lọc (bộ phận hồi nhiên liệu đốt lại). Nói chung, sắp tới công ty sẽ cải tạo hoàn toàn lò hơi, nâng cấp lên, có thể sẽ bắt đầu từ ngày 20/11”, ông Tín nói.

Đồng thời, ông Tín cũng phủ nhận chuyển khói thải từ nhà máy Vikhapack có mùi hôi, theo ông Tín mùi hôi này không phải của Vikhapack vì khu vực này có tận 3 nhà máy, chưa kể đó cũng có thể là mùi hôi phát ra từ những hộ chăn nuôi bò.

Phản bác lại những lập luận mà Vikhapack đưa ra, chị U (một hộ dân địa phương) gay gắt: “Lúc thì họ nói họ xả thải khói trắng, rồi lại nói có khói trắng nhưng là vì củi ướt. Lúc lại nói không có mùi hôi, rồi lại nói mùi hôi có nhưng không phải do Vikhapack thải ra môi trường…Chả cần phải giải thích nhiều, vì sự thật như thế nào đã có hàng trăm người dân chúng tôi làm chứng, thậm chí hứng chịu nhiều năm qua. Già trẻ lớn bé chúng tôi chẳng rãnh mà đi vu tội cho ai”, chị U quả quyết.

Cũng giống chị U, anh B (một hộ dân khác) cho rằng, không tin tưởng gì vào chương trình nâng cấp lò hơi mà Vikhapack hứa hẹn. Sau nhiều lần hứa rồi thất hứa, công ty Vikhapack đã khiến người dân mất hết niềm tin.

“Họ kinh doanh theo kiểu coi nhẹ đạo đức, nếu họ biết thương xót người dân chúng tôi thì họ đã chẳng chai lì xả thải hàng bao năm qua. Chẳng qua, cái gọi là nâng cấp lo hơi gì đó thực chất chỉ là chiêu đối phó theo kiểu “bình mới rượu cũ” mà thôi”, anh B nói.

Không riêng gì anh B, chị U, chị C, hay cô H, nguyện vọng chung của hầu hết người dân tổ 6, ấp 6, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi là chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sớm di dời công ty Vikhapack ra khỏi khu dân cư. Từ đó, chấm dứt triệt để tình trạng ô nhiễm vốn đã kéo dài nhiều năm qua.

“Một ngày, hai ngày có thể sẽ không thấy sự ảnh hưởng đáng sợ từ việc hít phải khói ô nhiễm. Những nếu một năm, hai năm rồi hàng chục năm thì chắc chắn sẽ khác. Chưa kể, không phải chỉ chúng tôi, còn con em chúng tôi, cháu chắt của chúng tôi, những thế hệ kế tiếp…Xin hãy cho chúng tôi một cuộc sống trong lành, bình an”, chị C nghẹn ngào.