Quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của Hà Nội:

Công việc nhiều, lực lượng mỏng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của Hà Nội thời gian qua còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là cán bộ quản lý lĩnh vực này tại các địa phương còn thiếu về số lượng và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

5/17 huyện “trắng”  kiến trúc sư

Bộ máy quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện được thực hiện trên cơ sở bộ máy UBND cấp huyện, trong đó, hạt nhân chính là các phòng quản lý đô thị. Đây là đơn vị chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp chính quyền quận, huyện, thị xã quản lý Nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng; kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng; giao thông vận tải trên địa bàn. Đồng thời, đơn vị chịu sự chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn của ba Sở thuộc các lĩnh vực chuyên ngành như: Quy hoạch – kiến trúc, Xây dựng và Giao thông vận tải.

Báo cáo tại Hội“Thực trạng quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan tại các huyện của thành phố Hà Nội”, Phó Chánh văn phòng Sở QH – KT Hà Nội, KTS Trần Việt Thắng cho biết, lực lượng quản lý quy hoạch, xây dựng , kiến trúc cảnh quan tại các huyện đang đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn và nặng nề. Tuy nhiên, theo báo cáo của 17 huyện trên toàn địa bàn TP, thời điểm tháng 4/2023, tình trạng thiếu kiến trúc sư phục vụ công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc và xây dựng vẫn đang diễn ra.

Cảnh quan tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Song Phượng, huyện Đan Phượng.
Cảnh quan tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Song Phượng, huyện Đan Phượng.

Thậm chí, một số phòng quản lý đô thị tại các huyện như: Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mỹ Đức, Phúc Thọ hiện không có kiến trúc sư, vị trí chuyên môn cần thiết phải có trong các hoạt động quản lý trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc cảnh quan.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu kỹ sư hạ tầng tương đối phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch và giao thông trên địa bàn huyện được phân cấp. Cụ thể, tại các huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín chỉ có 1 kỹ sư. Trong khi đó, một số phòng quản lý đô thị có nhiều cán bộ chuyên môn ít liên quan đến chức năng chính, như tại huyện Mỹ Đức có tới 3 người, chiếm từ 27 - 33% số lượng cán bộ chuyên môn.

“Việc thiếu hụt về nhân lực trong lĩnh vực này đã gây ảnh hưởng, hạn chế đối với công tác quản lý về quy hoạch - kiến trúc nói riêng và quản lý đô thị nói chung của các địa phương” – KTS Trần Việt thắng nhấn mạnh.

Cần sớm rà soát để bổ sung biên chế

Trong giai đoạn vừa qua, sau 15 năm hợp nhất và thực hiện các Nghị quyết về phát triển Thủ đô của T.Ư và TP, Hà Nội đã có nhiều kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực đô thị và nông thôn. Trong đó, vai trò và sự đóng góp của hệ thống các cơ quan quản lý về xây dựng đô thị nói chung và các phòng quản lý đô thị quận, huyện, thị xã nói riêng rất quan trọng.

Tuy nhiên, sự phát triển và cơ cấu tổ chức nhân sự, năng lực của 30 phòng quản lý đô thị hiện trên địa bàn TP còn chưa đồng đều. Điều này tác động đến khả năng phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn TP.

KTS Trần Việt Thắng cho hay, nếu chiếu theo các quy định hiện hành và điều kiện hiện tại, chỉ có 4/17 huyện đủ điều kiện phân cấp toàn bộ và có đến 7/17 huyện thiếu điều kiện phân cấp trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan và phát triển đô thị. Thực trạng này đặt ra thách thức không nhỏ trước các nhiệm vụ yêu cầu to lớn về quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan và phát triển đô thị tại khu vực nông thôn.

Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Lê Hải Đăng chia sẻ, một trong những khó khăn trong thực hiện quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn huyện thời gian qua là nhân lực bộ máy cán bộ có chuyên môn về quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kiến trúc cảnh quan cấp huyện và cấp xã còn thiếu (chưa có kiến trúc sư và thiếu kỹ sư đô thị tại cấp huyện) và công chức địa chính xây dựng chủ yếu có chuyên môn về lĩnh vực quản lý đất đai.

Đối với huyện sắp lên quận, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho hay, công tác quản lý quy hoạch sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt, đảm bảo quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc cảnh quan hết sức nặng nề. Đó là các vấn đề quản lý phát triển nhà ở, xây dựng quản lý các thiết chế văn hóa, vấn đề giao thông, ao hồ, nghĩa trang, tiêu thoát nước, cân đối nguồn lực…

Trong bối cảnh khó khăn đó, hầu hết phòng quản lý tại các huyện đề xuất được bổ sung chỉ tiêu biên chế, đặc biệt là chỉ tiêu biên chế kiến trúc sư, chuyên ngành quy hoạch đô thị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên đề xuất UBND TP và cơ quan chuyên môn tổ chức những lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực quy hoạch kiến trúc như: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch; công tác thẩm định các đồ án quy hoạch; cung cấp thông tin quy hoạch; cấp chỉ giới đường đỏ.

Tổ chức các lớp chuyên đề chuyên sâu về mô hình cách thức quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan ứng dựng công nghệ thông tin, hiện đại phù hợp thực tế từng địa phương. Bổ sung hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất để đáp ứng được với yêu cầu quản lý hiện nay.

 

Phần rất lớn kiến trúc sư đã hành nghề và ra trường hiện nay đều chú trọng đến việc mưu sinh thông qua các mảng lĩnh vực như kiến trúc công trình nhà dân nhỏ lẻ, nội ngoại thất… Không nhiều kiến trúc sư quan tâm thực chất vào các mảng quy hoạch, công trình lớn và đặc biệt không muốn tham gia công tác quản lý do thu nhập thấp hoặc cho đó là khu vực thuộc hệ thống chính quyền, khó có cơ hội tham gia.

Tình trạng tuyển sinh và đào tạo các kỹ sư hạ tầng, quản lý đô thị... hiện nay tại các cơ sở đào tạo đại học rất thiếu (có năm gần đây trường ĐH Kiến trúc không có thí sinh nào đăng ký dự thi). Đây là những nguyên nhân chính lý giải tại sao nhiều huyện trên địa bàn TP không tuyển được cán bộ chuyên môn…

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần