Chỉ khoảng 1 tiếng, những đoạn rào sắt đầu tiên phía đường Trần Nhân Tông đã được cắt dỡ…
Theo báo chí, thời gian tới công viên này sẽ được tháo dỡ bỏ hàng rào để tạo không gian mở cho người dân dễ dàng ra vào công viên. Dự kiến, đến cuối tháng 2/2023, việc dỡ bỏ hàng rào công viên và chỉnh sửa sẽ hoàn thành. Chúng tôi cũng được biết, Hà Nội đã thống nhất chủ trương về đề án tổ chức không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang.
Báo còn đăng tấm biển giá vé vào cổng công viên Thống Nhất. Sắp tới, với việc dỡ bỏ hàng rào, việc thu vé nghiễm nhiên là không còn. Lúc đó, công viên, dù đẹp hay xấu, dù còn sơ sài hay đã lộng lẫy hơn, nhưng nó đã thuộc về mọi người dân muốn đến để nghỉ ngơi, thư giãn hay để tập thể dục.
“Việc phá bỏ hàng rào công viên như thể là phá bỏ một tư duy cũ kỹ, xem công viên là nơi có thể kiếm tiền; hoặc là suy nghĩ nó là của Nhà nước cần quản lý chặt…” - một người dân phát biểu.
Vẫn còn có người băn khoăn: Nếu không có hàng rào bảo vệ, người xấu sẽ vào gây ra nhưng cảnh phản cảm, nhất là những kẻ hút chích.
Thực tế ngược lại: Chúng tôi từng chứng kiến sự thay đổi của những công viên ở TP Hồ Chí Minh trước và sau khi dỡ bỏ hàng rào. Công viên Tao Đàn (quận 1, TP Hồ Chí Minh) khi còn hàng rào, đây là nơi nhiều kẻ hút chích ra vào. Khi công viên được dỡ bỏ hàng rào, đặc biệt là khi con đường Trương Định được nối thông xuyên qua công viên, tấp nập người vào ra tập thể dục, sinh hoạt theo các chủ điểm; ngày Tết là nơi trưng bày cây cảnh vào loại hoành tráng nhất cả nước… Các công viên 23/9, Hoàng Văn Thụ… cũng có hình ảnh tương tự.
Tất cả các công viên ở TP này nhiều năm nay đã được dỡ bỏ hàng rào, trở thành nơi được cư dân chọn để nghỉ ngơi, tập thể dục… Công viên mở, người dân tràn vào đúng theo nghĩa đen, những kẻ xấu buộc phải lùi ra, đi chỗ khác.
Người dân chúng tôi rất vui mừng vì các công viên ở Hà Nội sẽ được dỡ bỏ hàng rào, thành không gian mở, như chủ trương của lãnh đạo TP.
Người dân cũng mong rằng, để sử dụng công viên cho tất cả mọi người, những vấn đề thuộc quy hoạch, tính toán phải hướng về cộng đồng; tránh tổ chức những câu lạc bộ, hội, nhóm… hoạt động có thu tiền. Bởi vì, không gian công viên nên để tất cả mọi người thụ hưởng.
Các TP không thể thiếu những công viên. Những công viên không chỉ là nơi để cây xanh phát triển, thành “lá phổi xanh” cho đô thị mà còn là nơi mọi người tìm đến thư giãn, giao tiếp, rèn luyện sức khỏe. Việc công viên Thống Nhất được mở ra gần với dân hơn chứng tỏ nhu cầu thiết yếu, tâm tư của người dân đã được lắng nghe nhiều hơn.