Cách đây 25 năm, các nhà hoạch định kiến trúc đô thị Hà Nội đã xây dựng từng phần việc để kết nối các di sản văn hóa ở khu vực trung tâm này. Tuy nhiên có lẽ phải đến bây giờ mới hội tụ đủ điều kiện kết nối Nhà hát Lớn Hà Nội với Hồ Gươm, Bảo tàng Lịch sử, vườn hoa Cổ Tân… thành tổ hợp không gian văn hóa di sản.
Từng quy hoạch nhưng chưa thể làm
Mới đây, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện chính thức "ngỏ ý" với lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng phối hợp chỉnh trang khuôn viên Nhà hát Lớn Hà Nội, xóa bỏ hàng rào và quán cà phê bên trong để tạo thành công viên mở, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách và Nhân dân Thủ đô. Thực tế, ý tưởng này của ông Thiện đã được Bộ VHTT&DL rục rịch chuẩn bị gần một năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên của báo Kinh tế & Đô thị, ý tưởng này "vướng" phải vấn đề pháp lý của hợp đồng cho thuê 10 năm giữa Nhà hát Lớn Hà Nội với đơn vị kinh doanh cà phê Highlands chưa chấm dứt. Và Bộ VHTT&DL cũng chưa chuẩn bị đủ điều kiện nguồn lực khác để biến ý tưởng đưa Nhà hát thành điểm văn hóa đặc biệt kết nối với các điểm di sản xung quanh đó.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cách đây vài chục năm, TP Hà Nội đã nhận thức được vị thế khu vực Nhà hát Lớn là điểm nhấn kết thúc của trục đường lớn ở Thủ đô. Nhà hát lại gắn kết với khu vực Hồ Gươm là cảnh quan thiên nhiên và nhiều điểm văn hóa hấp dẫn khác như: Nhà khách Bộ Quốc phòng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… đều là những không gian văn hóa ít có ở các Thủ đô khác trên thế giới. Chính vì vậy, năm 1992, Hà Nội đã lập quy hoạch tổ hợp không gian văn hóa trọng tâm của Thủ đô, trong đó có việc gắn kết Nhà hát Lớn với các công trình di sản văn hóa khác. Hoặc trước đó, theo trí nhớ của KTS Trần Huy Ánh, những năm 80 của thế kỷ trước, GS Tôn Đại cũng đã hướng dẫn sinh viên đề án quy hoạch tổng thể không gian của khu vực. “Đề án đó có mục đích kết nối không gian của các công trình xung quanh và lấy Nhà hát Lớn làm tâm điểm” – KTS Trần Huy Ánh cho biết.
“UBND TP Hà Nội đã phê duyệt cụ thể quy hoạch tổng thể về tổ hợp không gian văn hóa này; trong đó có cả những dự án thành phần. Thế nhưng, khu vực này "tấc đất tấc vàng". Chỉ có ngăn không cho xây dựng một công trình văn phòng gần khách sạn Hilton, Hà Nội đã phải bù gần 3.000m2 đất ở một địa điểm khác xa trung tâm. Việc làm này của Hà Nội đã được các chuyên gia ghi nhận trong giải thưởng Bùi Xuân Phái để chứng tỏ mỗi phần việc của đề án quy hoạch tổng hợp không gian văn hóa trung tâm xung quanh Nhà hát Lớn Hà Nội là một phần việc khó” – KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.
Sẽ không còn Highland trong khuôn viên nhà hát
Đến nay, theo khẳng định của ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL, hợp đồng giữa Ban quản lý Nhà hát và đơn vị kinh doanh cà phê đã kết thúc từ 31/12/2016. “Chỉ còn một vài điều khoản cần thương thảo, nhưng chắc chắn sẽ không còn dịch vụ kinh doanh cà phê Highland trong khuôn viên Nhà hát Lớn Hà Nội như trước đây” – ông Bình chia sẻ. Bộ VHTT&DL sẽ mời chuyên gia tư vấn nước ngoài thiết kế lại không gian khuôn viên của Nhà hát Lớn Hà Nội để biến nơi đây thành công viên mở. Cho dù chưa chính thức mời đơn vị nào, nhưng theo ông Bình, ý tưởng này sẽ được thực hiện trong năm 2017.
Đây là ý tưởng đúng, là tâm nguyện của nhiều KTS cũng như các chuyên gia văn hóa. Bởi hiện tại các công trình này bị chia cắt manh mún, sử dụng làm quán cà phê, tiệc cưới, bày cây cảnh... không phát huy đúng giá trị của nó. Vì vậy cải tạo khuôn viên công trình này là rất cần thiết. Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh mong muốn quy hoạch phải trả lại cảnh quan, tăng giá trị của không gian, tăng hàm lượng văn hóa, nếu có những dịch vụ kinh doanh phải mang tính văn hóa và khoa học. Nhà sử học Dương Trung Quốc lưu ý ý tưởng này cần căn cứ vào quy hoạch chung của TP Hà Nội và kế thừa quy hoạch tổng thể tổ hợp không gian văn hóa mà KTS Đào Ngọc Nghiêm đã nhắc đến. Hơn nữa, không chỉ quan tâm đến việc cải tạo khuôn viên không gian Nhà hát Lớn, hiện nay, Hà Nội đang tiến hành nhiều phần việc như chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm, cải tạo vườn hoa Cổ Tân…
Một điểm đến du lịch văn hóa
Trong năm 2017, Bộ VHTT&DL sẽ thành lập tour du lịch kết nối giữa tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, xem chương trình và tham quan Nhà hát, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật. Hiện nay, Bộ VHTT&DL đã duyệt chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát trong tháng 4/2017. Các chương trình sẽ không chỉ biểu diễn vào các tối cuối tuần mà còn cả ngày thường để phục vụ tour du lịch.
Mong muốn xa hơn của các chuyên gia, Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là điểm dừng chân để du khách thưởng thức các chương trình nghệ thuật, thăm kiến trúc công trình. “Ở các nước khác, Nhà hát Lớn là một khuôn viên văn hóa, nhưng nếu đến và thăm kiến trúc thì phải thăm dò thị trường. Có lẽ đến lúc phải nghiên cứu lập một bảo tàng Nhà hát Lớn” – nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ. Bởi vì hầu hết những hoạt động quan trọng của thời kỳ trong và sau cách mạng tháng Tám đều diễn ra ở đây. “Nếu ta tăng cường thêm hàm lượng văn hóa mang tính chất bảo tàng thì có thể khai thác được các không gian nội thất của Nhà hát Lớn bên cạnh việc trình diễn” – ông Quốc nhấn mạnh.
Tồn tại hơn một thế kỷ, Nhà hát Lớn Hà Nội luôn là biểu trưng cho một công trình di sản mang dấu ấn của Thủ đô. Tuy nhiên, công trình đó có thời kỳ chỉ là chốn lui đến của giới quý tộc người Pháp. Rồi thời kỳ sau đó, cơ hội đến với Nhà hát Lớn chỉ dành cho người có tiền mua vé xem các chương trình nghệ thuật. Chính vì vậy, ý tưởng đưa một di sản kiến trúc lớn đến gần với đông đảo quần chúng Nhân dân sẽ luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đặc biệt ý tưởng ấy lại có thể gắn kết với công trình văn hóa tổng thể xung quanh đó.q
Nhà hát Lớn không phải là nơi cho những sô diễn chạy theo số đông. Bộ rất mong UBND TP Hà Nội chung sức cùng quy hoạch, xây dựng nơi đây thành điểm văn hóa, du lịch hàng đầu của đất nước.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện
Nhà hát Lớn Hà Nội là một điểm nhấn về di sản mặt kiến trúc và không gian văn hóa lịch sử. Chính vì vậy phải đưa ra quy hoạch tăng hàm lượng văn hóa cho Nhà hát, còn các hoạt động dịch vụ cà phê chỉ là thứ yếu, gần khu vực đó đã có rất nhiều.
Nhà sử học
Dương Trung Quốc