Công viên Tuổi trẻ Thủ đô: Nguy hiểm từ những hạng mục xuống cấp

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm nay, trẻ em Hà Nội luôn thiếu và “khát” chỗ vui chơi vào mỗi dịp cuối tuần hay nghỉ Hè, lễ Tết.

Trong khi đó, tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) vẫn đang tồn tại một nghịch cảnh: Công viên rộng, hạng mục trò chơi hiện đại được lắp đặt nhưng lại bỏ hoang từ nhiều năm nay và đang xuống cấp trầm trọng.

Hàng trăm tấn sắt gỉ chờ sập?

Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của người dân phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng về tình trạng các thiết bị vui chơi như hệ thống ống trượt, máng trượt nước, vòng đu quay khổng lồ bị bỏ hoang trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô gây lãng phí. Đặc biệt, thiết bị vòng đu quay được lắp đặt từ hàng trăm tấn sắt thép nhưng hơn chục năm nay không được sử dụng, bảo quản dẫn đến han gỉ, có thể đổ sập bất cứ lúc nào gây nguy hiểm đến tính mạng người dân thường xuyên vào tập thể dục, vui chơi.

Hệ thống ống trượt nước bỏ hoang nhiều năm bị rêu phong, rác, cỏ dại phủ kín. Ảnh: Vũ Cúc

Có mặt tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô ngày 30/10, phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi nhận, hệ thống ống trượt, máng trượt đã bị rêu xanh, cây cỏ bao phủ, hồ tạo sóng, bể bơi dù vẫn giữ được nét thiết kế hiện đại song trên bề mặt nước nổi lên đầy rong rêu, vàng ố. Những bậc thang dẫn lên ống trượt nước hoen gỉ, đứt gãy. Cách khu trượt nước không xa là hệ thống vòng đu quay kết cấu bằng sắt, thép cao hàng trăm mét đã gỉ sét. Các trụ chính của vòng đu quay bong tróc chuyển sang màu đen, nhiều thanh nối đã gãy. Do không ý thức được sự nguy hiểm, nhiều người vẫn mắc bạt ngay dưới chân vòng quay để làm chỗ khiêu vũ, tập thể thao…

Theo nhiều người dân, những hạng mục công trình này do không sử dụng và duy tu, bảo dưỡng nên xuống cấp nhanh. “Những thanh sắt đã gỉ, hàng tấn sắt thép có thể đổ sập bất cứ lúc nào, lúc đó không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được xử lý” – ông Trần Anh Tú, số nhà 233 phố Thanh Nhàn bức xúc.

Cần sớm tháo dỡ

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Triệu Như Long cho biết, để tiến hành xây dựng các hạng mục theo quy hoạch đã phê duyệt, năm 2002 – 2003, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội được TP giao đầu tư xây dựng khu vui chơi công viên nước với nhiều hạng mục trò chơi hoành tráng như vòng đu quay, cầu trượt khổng lồ, hồ tạo sóng, bể bơi… tuy nhiên, khu vui chơi nước hoạt động đến năm 2013 thì đóng cửa. Còn hệ thống vòng đu quay khổng lồ sau khi lắp đặt xong cũng chỉ hoạt động thử nghiệm vài lần rồi bỏ hoang từ đó đến nay.

Với các hạng mục xuống cấp ở Công viên Tuổi trẻ, UBND phường Thanh Nhàn đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, đồng thời đề xuất với quận và TP để lên phương án xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các hạng mục này vẫn trơ gan cùng mưa nắng mà chưa có bất kỳ cơ quan nào đứng ra giải quyết. “Đối với hạng mục vòng đu quay rất cần thiết phải có biển báo công trình, thậm chí nếu không phù hợp thì có thể tháo dỡ ngay. Công viên Tuổi trẻ là công viên mở, không chỉ người dân phường Thanh Nhàn vào vui chơi, tập thể dục mà đây còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động cộng đồng” – ông Long kiến nghị.

Về lý do các hạng mục vui chơi giải trí được coi là hiện đại nhất Thủ đô bị bỏ hoang lãng phí trong nhiều năm, ông Triệu Như Long thông tin thêm, một phần do hiệu quả kinh tế không cao nên chủ đầu tư không mặn mà. Phần nữa, từ khi xây dựng xong đến nay các hạng mục vẫn chưa được chủ đầu tư quyết toán nên việc chuyển giao cho chủ đầu tư mới là Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, theo Quyết định số 3372 ngày 24/6/2016 của UBND TP Hà Nội vẫn chưa thực hiện được.
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được Thủ tướng giao đất tổ chức GPMB, chuẩn bị đầu tư tại Quyết định 442/QĐ-TTg ngày 13/4/2001. Năm 2010, TP Hà Nội ra Quyết định 2035/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội. Do nằm ở vị trí chính giữa quận Hai Bà Trưng, dự án này hứa hẹn là một trong những điểm nhấn phục vụ nhu cầu giải trí, vui chơi công cộng của người dân Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần