1. Hà Nội vốn là TP của cây xanh mặt nước, nổi tiếng với các công viên, vườn hoa như Công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Tuổi trẻ, Bách Thảo, Công viên nước Hồ Tây… Ngoài hồ cảnh quan gắn với truyền thuyết nổi tiếng như Hồ Gươm, Hồ Tây, là các hồ Trúc Bạch, Ba Mẫu, Bẩy Mẫu, Linh Đàm, Yên Sở… Nhiều công viên được hình thành bởi mồ hôi, sức lực và tuổi trẻ của hàng vạn người dân Thủ đô mà Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ là những hình ảnh nổi tiếng một thời.
Vào những năm 1980 trở về trước, khi nước ta chưa chuyển sang nền kinh tế thị trường, công cuộc đô thị hóa chưa phát triển mạnh mẽ, Hà Nội là một TP khá trầm lắng, ít sôi động. Cuộc sống cực kỳ khó khăn trong thời kỳ bao cấp, lại vừa trải qua chiến tranh khốc liệt đã không cho phép người dân Thủ đô nghĩ nhiều đến sự hưởng thụ. Giao thông đường phố chủ yếu bằng xe đạp, tàu điện và thưa thớt vài tuyến xe buýt.
Công viên lớn như Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ còn nghèo nàn về thú nuôi cũng như tổ chức không gian cảnh quan, thiếu vắng các trò chơi, phương tiện giải trí cho các lứa tuổi, có chăng chỉ là mấy toa xe lửa mini chạy điện, vài cái đu quay, xe đạp nước hình con vịt…
Vậy mà, những nơi này vẫn nhộn nhịp người, nhất là vào các ngày Chủ nhật, ngày lễ. Trai gái buổi chiều tối vẫn lấy công viên thanh bình và lãng mạn để làm nơi tâm sự, tỏ tình. Ngày ấy nghèo nhưng nghiêm. Ít có cảnh vặt hoa, bẻ cây, xả rác bừa bãi ra công viên như sau này!
Khi đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, Hà Nội đã thực sự chuyển mình. TP giờ đây mở rộng gấp ba lần với số dân lên tới hơn 8,5 triệu người. Ngày cũng như đêm, đường phố nườm nượp ô tô, xe máy, rồi tắc đường, kẹt xe lúc nào cũng có thể xảy ra. Những tòa cao ốc bằng bê tông và kính có khối tích lớn đua nhau mọc lên ngay cả trong các đường phố lớn ở nội đô lịch sử. Dọc các đường Vành đai 2, Vành đai 3 và 3,5 là những khu đô thị mới với muôn vàn chung cư cao tầng dày đặc, đủ các phong cách kiến trúc bao bọc lấy TP.
Nhiều công viên, vườn hoa được chính quyền TP quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo như: Công viên Hòa Bình, Tuổi trẻ, Cầu Giấy, Indira Gandhi, Công viên hồ Thành Công, Nghĩa Đô, Yên Sở, Đống Đa, Yên Hòa… hay các vườn hoa Lê Nin, Lý Thái Tổ, Lý Tự Trọng, Hàng Đậu, dải vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm… Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư cũng lập dự án xây dựng công viên, khu vui chơi giải trí theo hình thức xã hội hóa, như Thiên đường Bảo Sơn…
Có thể nói rằng, nếu những ai xa Hà Nội cách đây chừng mươi năm, giờ trở lại sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay của TP thân yêu này. Thế nhưng, do bởi lợi ích của một nhóm người; sự quan liêu trong quản lý đô thị của cơ quan chức năng và chính quyền sở tại; ý thức văn hóa kém của một bộ phận cộng đồng dân cư… mà nhiều năm qua công viên bị xuống cấp, lấn chiếm, bị sử dụng sai mục đích mà điển hình là Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.
Hay công viên xây dựng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng cũng đã xuống cấp như Công viên Hòa Bình.
Cách đây vài năm, một dự án bãi đậu xe được lập để xây dựng tại góc Công viên Thống Nhất nơi ngã ba Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông đã làm xôn xao dư luận, bị người dân phản đối. Cũng là để phục vụ cộng đồng thôi, nhưng cái giá của công viên lại rất khác cái giá của một bãi đậu xe!
Ngay các khu đô thị mới, hình ảnh lãng mạn của kiến trúc thời mở cửa, thì nhiều chủ đầu tư cũng chạy theo lợi nhuận, bất chấp quy hoạch được duyệt để tăng mật độ xây dựng tối đa, giảm đến mức thấp nhất đất dành cho bãi để xe, sân chơi cho người già trẻ em, cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ… Những bất cập đó đã làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân, làm xấu đi cảnh quan kiến trúc đô thị.
2. Không thể kéo dài tình trạng trên, năm 2021, bằng quyết tâm chính trị rất cao, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch “Cải tạo, nâng cấp xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025” nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân và yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Hiện nay, Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa, trong đó có 13 công viên và 32 vườn hoa (khoảng 70%) cần cải tạo, nâng cấp, sửa chữa theo mức độ khác nhau. Công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất, Tuổi trẻ Thủ đô sẽ được ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan.
TP cũng hoàn thành 6 công viên mới gồm: Công viên Chu Văn An, Công viên CV1, Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên Văn hóa Kim Quy, Công viên hồ Phùng Khoang, Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí - thể thao quận Hà Đông. Các vườn hoa, như Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng cũng được ưu tiên cải tạo, nâng cấp tổng thể kiến trúc cảnh quan, từ tổ chức mặt bằng, đường dạo, tiểu cảnh hài hòa với kiến trúc, tượng đài, cảnh quan vườn hoa đến trồng thêm hoa, cây cảnh, lắp đặt đèn chiếu sáng, vật kiến trúc, ghế ngồi, thùng rác...
Hà Nội cũng có kế hoạch tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng mới các công viên theo Quy hoạch cây xanh đã được phê duyệt, như Vườn hoa trung tâm Tây Hồ Tây; Công viên hồ Đầm Trị; Công viên Đống Đa; Công viên hồ Mễ Trì; Công viên Trung tâm triển lãm Quốc gia; Công viên Hữu Nghị…
Ở chuỗi đô thị Bắc sông Hồng có Tổ hợp TDTT Mê Linh (GN - 1); Khu sinh thái sông Cà Lồ; Khu sinh thái Đông Anh (GN - 2, GN - 3); Làng văn hóa ASEAN (GN - 5); Trung tâm thể thao ASIAD (GN - 10). Chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai 4 có Công viên công nghệ cao sinh học (GS - 3); Công viên vui chơi giải trí (GS - 10); Công viên quảng trường trung tâm và Công viên văn hóa lễ hội (trục hồ Tây - Ba Vì); Công viên TDTT khu vực (GS - 12); Công viên vui chơi giải trí kết hợp đô thị sinh thái; Công viên thể thao kết hợp vui chơi giải trí (GS - 21); Công viên du lịch sinh thái (GS - 20)…
3. Những ngày cuối năm, đường phố Hà Nội lại càng đông hơn, nhộn nhịp hơn. Phố đi bộ quanh Hồ Gươm và vườn hoa Lý Thái Tổ rực rỡ, sôi động bởi các không gian sắp đặt tươi mới, đầy năng lượng sáng tạo của nhiều nghệ sĩ trẻ trong Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo do Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội tổ chức. Hòa mình vào dòng người đủ mọi lứa tuổi rạng rỡ, vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc vui chơi quanh Hồ Gươm, tôi như thấy mình trẻ lại và suy nghĩ, tại sao chúng ta không biến công viên, vườn hoa là những không gian sáng tạo mang bản sắc Hà Nội để những nơi đó trở thành điểm hẹn văn hóa - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí hấp dẫn và bền vững của mọi người dân Thủ đô, đặc biệt với thế hệ trẻ.
Và phải chăng, đấy cũng là thể hiện nét đẹp hào hoa, văn hóa, văn minh của một Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thành phố vì Hòa bình, Thành phố Sáng tạo trong thời kỳ công nghệ số, kinh tế số!