Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

COP19 chuẩn bị thay thế Nghị định thư Kyoto

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra trong 12 ngày tại Warsaw, Ba Lan, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 19 của các nước tham gia Công ước khung về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP19) kỳ vọng sẽ đạt được bước tiến mới khi thảo luận về Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020.

Các Hội nghị COP lần trước đều diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi các quốc gia quyết liệt bảo vệ lợi ích riêng của mình và không thể đạt được tiếng nói chung trong vấn đề cắt giảm khí phát thải. Tuy nhiên, hậu quả nặng nề mà siêu bão Haiyan gây ra cho Philippines hồi cuối tuần qua đã phủ một bóng đen lên Hội nghị và buộc các nước phải có cách tiếp cận khác. Vì thế, ngoài bàn thảo về thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto, COP19 còn thúc đẩy các nước phát triển thực hiện đúng cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm cho những nước đang phát triển đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

 
Các đại biểu tham dự  phiên khai mạc COP19 tưởng niệm các nạn nhân của bão Haiyan ở Philippines. Ảnh: AFP
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc COP19 tưởng niệm các nạn nhân của bão Haiyan ở Philippines. Ảnh: AFP
 
Chính phủ Philippines đang phải chạy đua với thời gian để cứu trợ những người còn may mắn sống sót sau siêu bão Haiyan. Tuy nhiên tình trạng tại Tacloban, tỉnh Leyte đang trở nên căng thẳng khi các nạn nhân của trận bão đang tuyệt vọng vì mất người thân, tài sản và đói khát.

 

Trong diễn biến mới nhất, đoàn cứu trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã tiếp cận, cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho phần lớn số người Việt đang sinh sống tại Tacloban.
Từ năm 2009 tới nay, các nhà khoa học đã liên tiếp đưa ra cảnh báo về sự ấm lên của trái đất. Tháng 9 vừa qua, Ủy ban các nhà khoa học nghiên cứu khí hậu của Liên Hợp quốc nhận định, tình trạng trái đất ấm lên sẽ kích thích sự hình thành của những cơn bão còn mạnh hơn cả siêu bão Haiyan. Theo  Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm nay là một trong 10 năm có nhiệt độ cao kỷ lục kể từ khi giới khoa học bắt đầu thu thập các dữ liệu nghiên cứu nhiệt độ toàn cầu vào năm 1850, được đánh dấu bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng ở Australia và lũ lụt từ Sudan cho đến châu Âu. Vì thế không ngạc nhiên khi mực nước biển gần khu vực các đảo thuộc Philippines cao hơn từ 3 - 4 lần trong vòng 20 năm qua. Do nước biển dâng cao hơn nên sự phá hủy mà nó gây ra lớn hơn so với cách đây 100 năm. Trong tương lai, mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao bởi hơn 90% nhiệt lượng từ khí thải nhà kính được hấp thụ vào đại dương, khiến nhiệt độ nước biển không ngừng ấm lên, kéo theo đó là hiện tượng tan băng.

 

Theo các đại biểu, thảm kịch tại Philippines sau trận bão Haiyan vừa qua là nỗi đau, là bằng chứng cho thấy con người đang thua trong cuộc chiến không cân sức với thiên nhiên. Nó cũng là lời cảnh tỉnh nếu thế giới không cùng hành động để giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, các thảm họa tương tự sẽ tái diễn với mức độ khủng khiếp hơn.