Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cốt lõi là cân bằng cán cân thương mại Việt - Mỹ

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng thương mại sau những tuyên bố của Mỹ về áp thuế bổ sung đang nhận được sự quan tâm của toàn thế giới bởi những tác động rất lớn của nó tới nền kinh tế toàn cầu.

Sẵn sàng các kịch bản và phương án ứng phó, Việt Nam sẽ tập trung tạo cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, thúc đẩy ngoại giao, hợp tác với nước này. Phía các hiệp hội, ngành hàng đang tích cực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu...

Hiện hữu những rủi ro thương mại

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp thuế (bổ sung) 25% với hàng hóa từ Canada và Mexico (đang hoãn áp dụng một tháng) và 10% với hàng hóa từ Trung Quốc. Trung Quốc đã đáp trả thông qua siết xuất khẩu một số loại kim loại quan trọng và chính thức nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Canada trước khi Mỹ hoãn lệnh áp thuế cũng đã dự kiến trả đũa bằng mức thuế bổ sung 25% lên khoảng 155 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Tình hình có thể sẽ phức tạp hơn nếu ông Trump thực hiện ý định hồi tranh cử là có thể sẽ áp mức thuế bổ sung 10% lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ bất kể từ quốc gia nào.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN

Số liệu mà Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 5/2 cho thấy, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ năm 2024 đạt mức kỷ lục với 1.200 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 4 về thặng dư thương mại với Mỹ, sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico. Mặc dù, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn nằm ngoài danh sách các quốc gia bị Mỹ đánh thuế lần này, nhưng với việc nằm trong top các quốc gia dẫn đầu về thâm hụt thương mại với Mỹ cũng khó lường trước chuyện gì sẽ xảy ra. Khả năng Tổng thống Donald Trump có thể tăng thuế, tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, đẩy cao các đạo luật như quy định nguồn gốc sản phẩm là những điều có thể xảy ra với hàng hóa Việt Nam.

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, sẽ có khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Những lo lắng về dịch chuyển sản xuất, hàng hóa của DN Trung Quốc sang Việt Nam không phải đến thời điểm này mới được nhắc tới.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích, giai đoạn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2018 - 2019, hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp đã nhiều lần bị Mỹ cảnh báo và áp mức thuế cao với nhiều mặt hàng xuất khẩu. Do vậy, Việt Nam phải hết sức lưu ý, tránh nguy cơ bị coi là quốc gia chính trong việc lẩn tránh thuế của các DN Trung Quốc.

 

Với quan điểm luôn kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm, các DN phải nỗ lực nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ của sản phẩm được sản xuất, chế biến tại Việt Nam. Đồng thời, DN cần chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng chất lượng sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), từ quan sát diễn biến và động thái của Mỹ và các quốc gia có thể có nguy cơ Mỹ nhắm vào xuất khẩu của Việt Nam. Bởi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, với Mỹ chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu và Trung Quốc là nguồn cung của 38% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, việc chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản ứng phó với chiến tranh thương mại như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là rất quan trọng.

Chủ động, linh hoạt trong quan hệ thương mại với Mỹ

Đề cao tầm quan trọng về thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại với Mỹ, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản và tổng thể nhằm giải quyết mối quan ngại về thâm hụt thương mại của phía Mỹ. Chiến lược này bao gồm các giải pháp: đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu; tăng cường mua hàng hóa từ Mỹ; đấu tranh chống gian lận thương mại, xuất xứ để không bị lợi dụng.

Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ngoại giao và hợp tác với phía Mỹ để kịp thời nhận diện và phối hợp xử lý các vướng mắc (nếu có). Việt Nam cũng cần chuẩn bị phương án để phản ứng kịp thời, chủ động và linh hoạt trong quan hệ thương mại - đầu tư với Mỹ khi tình huống không mong muốn xảy ra.

Khuyến nghị về giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ có thể xảy ra, TS. Nguyễn Quốc Việt lưu ý, cơ quan quản lý cần có chính sách thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng sản xuất công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cao hơn, có sự kết nối, tham gia của DN tư nhân Việt Nam vào chuỗi cung ứng. Với các DN nên quay về thị trường trong nước, thúc đẩy sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân để làm bước đệm cho sự thay đổi và biến động của kinh tế thế giới khó lường hiện nay.

Bên cạnh các giải pháp cân bằng thương mại hai chiều, việc DN cố gắng minh bạch xuất xứ hàng hóa, chuyển đổi nguồn nguyên liệu sang các thị trường khác để tránh vạ lây từ các nước bị áp thuế suất cao đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, động thái tự bảo vệ mình trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay.

Đơn cử như với các DN xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ, nội thất sử dụng ván ép, nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc có thể đối diện bị áp thuế nhập khẩu nguyên liệu, đẩy giá thành sản xuất tăng, khó cạnh tranh hơn. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, mức thuế với sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ hiện tại là 0%, trong khi Trung Quốc là 25%. Lợi thế của Việt Nam cũng chính là mối lo trong bối cảnh thị trường lớn bên cạnh đang bị áp thuế cao. Để sẵn sàng ứng phó, các DN sản xuất xuất khẩu trong ngành gỗ đã có chiến lược chuyển hướng mua nguyên liệu, cụ thể là ván ép từ các nước khác trong khu vực châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các vụ thị trường nước ngoài, hệ thống các thương vụ theo dõi sát, nắm bắt thông tin về tình hình thị trường, biến động kinh tế, chính trị, chính sách... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam để kịp thời tham mưu với Chính phủ những phản ứng chính sách phù hợp. Một mặt, Bộ Công Thương chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.

Trong đó có giải pháp tránh nguy cơ là trung chuyển cho dòng hàng hóa chuyển hướng hoặc dư thừa, duy trì cạnh tranh lành mạnh và công bằng ở thị trường nội địa. Đặc biệt là sẵn sàng sử dụng các công cụ kiểm soát nhập khẩu để bảo đảm chỉ các hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, tuân thủ các yêu cầu về thuế, phí và các quy định liên quan mới có thể tiếp cận thị trường.

 

Việt Nam hoàn toàn có thể điều chỉnh cơ cấu thương mại theo hướng tốt cho Việt Nam và tốt cho cả Mỹ. Đơn cử như, Mỹ đang phát triển mạnh và mở ra hướng xuất khẩu chip bán dẫn công nghệ cao, Việt Nam nên tăng nhập khẩu nhóm hàng này từ Mỹ. Đó là hướng mà Việt Nam nên cân nhắc, chú ý để tạo cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng