Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mở đường cho cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, nhưng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Ukraine và sự lo ngại của các đồng minh châu Âu.
Theo nhiều nguồn tin, phái đoàn Mỹ dự kiến bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz, Ngoại trưởng Marco Rubio và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff. Phía Nga được cho là sẽ cử một nhóm đàm phán "hạng nặng" với sự tham gia của Yuri Ushakov – cố vấn ngoại giao kỳ cựu của Điện Kremlin, và Sergei Naryshkin – người đứng đầu cơ quan tình báo Nga. Kirill Dmitriev, một nhà tài chính có mối quan hệ thân thiết với gia đình Tổng thống Putin, cũng có thể đóng vai trò kênh liên lạc không chính thức với phía Mỹ.
Ả-rập Saudi, quốc gia trung lập khi duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Washington và Moscow, được chọn làm địa điểm tổ chức. Musaed Al-Aiban, Cố vấn An ninh Quốc gia Ả-rập Saudi, dự kiến sẽ chủ trì cuộc họp. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn có thể thay đổi vào phút chót.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2019. Ảnh: Flickr/Nhà Trắng](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/16/48144148302-3d8ba80c3c-o.jpg)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Kiev chưa nhận được bất kỳ lời mời nào cho cuộc đàm phán và chỉ trích việc Mỹ - Nga thương lượng "sau lưng Ukraine". "Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận thỏa thuận được định đoạt mà không có sự tham gia của Ukraine", ông Zelensky tuyên bố tại Hội nghị An ninh Munich trong tuần này.
Phía châu Âu cũng tỏ ra bất an khi bị loại khỏi bàn đàm phán. Keith Kellogg, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Ukraine và Nga, thẳng thừng tuyên bố châu Âu "sẽ không có ghế ngồi" dựa trên bài học từ thất bại của Thỏa thuận Minsk II năm 2015.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Mỹ phải đảm bảo tiếp tục ủng hộ Ukraine. Ông nhấn mạnh: "Putin cần hiểu rằng phương Tây sẽ không dừng viện trợ".
Nga yêu cầu Ukraine từ bỏ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và cam kết trung lập, trong khi Kiev kiên quyết đòi Moscow rút toàn bộ quân khỏi các vùng lãnh thổ này, đồng thời cho phép Ukraine được gia nhập NATO hoặc được nhận các đảm bảo an ninh tương đương. Đặc phái viên Kellogg cho biết, Mỹ sẽ gây sức ép buộc Nga nhượng bộ thông qua siết chặt trừng phạt năng lượng và phá vỡ liên minh giữa Moscow với Iran, Triều Tiên, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, giới chức Mỹ và Ukraine đang đàm phán một thỏa thuận cho phép các công ty Mỹ khai thác 50% nguồn khoáng sản hiếm của Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh bản dự thảo hiện tại của Washington "chưa đáp ứng yêu cầu an ninh" của Kiev.
Dù Tổng thống Trump tuyên bố muốn kết thúc chiến tranh "nhanh chóng", tiến trình đàm phán vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Việc thiếu vắng tiếng nói của Ukraine và châu Âu làm dấy lên nghi ngờ về tính khả thi của bất kỳ thỏa thuận nào. Trong khi đó, động thái của Ả-rập Saudi – vốn đang tìm cách nâng tầm ảnh hưởng địa chính trị của mình – cũng là một ẩn số.
Cuộc gặp sắp tới tại Riyadh có thể là bước đi đầu tiên hướng tới hòa bình, nhưng để đạt được điều đó, các bên cần vượt qua những thách thức từ lịch sử, sự đổ vỡ lòng tin, và những toan tính quyền lực phức tạp. Thế giới đang chờ xem liệu "thỏa thuận thế kỷ" cho Ukraine có thành hiện thực, hay sẽ lại chìm vào vòng xoáy bế tắc như trước đây.