Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

COVAX phân phối 1 tỷ liều, vaccine thế giới đã bình đẳng?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cung cho các quốc gia nghèo từ lâu đã nhỏ giọt do sự khan hiếm vaccine bởi các quốc gia giàu đã “xí phần” hầu hết số vaccine có sẵn từ tháng 12/2020.

Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX cho đến nay đã phân phối 1 tỷ liều vaccine phòng Covid-19.

Nguồn cung cho các quốc gia nghèo từ lâu đã nhỏ giọt do sự khan hiếm vaccine bởi các quốc gia giàu đã “xí phần” hầu hết số vaccine có sẵn từ tháng 12/2020.

Nhân viên y sinh xác nhận một lô hàng vaccine AstraZeneca theo chương trình COVAX, trước khi phân phối tại Kenya vào ngày 4 /3/2021. Ảnh: Reuters
Nhân viên y sinh xác nhận một lô hàng vaccine AstraZeneca theo chương trình COVAX, trước khi phân phối tại Kenya vào ngày 4 /3/2021. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên trong quý 4 vừa qua, các lô hàng nhập đã tăng theo cấp số nhân, cho phép COVAX đạt mốc 1 tỷ liều được vận chuyển đến 144 quốc gia, Gavi, Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng, đồng quản lý COVAX cùng Tổ chức Y tế Thế giới cho biết

Chương trình COVAX được ra mắt vào năm 2020 với mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho tới cuối năm 2021, tuy nhiên mục tiêu này đã bị cản trở do việc tích trữ vaccine của các quốc gia giàu có, hạn chế xuất khẩu và những thay đổi liên tiếp liên quan tới đại dịch.

Chương trình này bắt đầu cung cấp các liều vaccine vào tháng 2 năm 2021. Trong đó khoảng 1/3 được quyên góp bởi các quốc gia giàu có, dù kế hoạch ban đầu của COVAX là chỉ cung cấp vaccine do chương trình mua trực tiếp với ngân sách hơn 10 tỷ USD trong quỹ của các nhà tài trợ.

Việc thay đổi chiến lược đã dẫn đến sự chậm trễ, do các nhà tài trợ thường yêu cầu gửi vaccine đến các quốc gia do họ lựa chọn.

Theo Reuters, bất chấp sự gia tăng đột biến về số vaccine phân phối cho các quốc gia gần đây, sự bất bình đẳng về vaccine vẫn ở mức cao. Dữ liệu mới nhất của WHO cho thấy 67% dân số ở các quốc gia giàu hơn đã được tiêm chủng đầy đủ, so với chỉ 5% ở các quốc gia nghèo hơn. Hơn 40% dân số thế giới chưa được tiêm liều đầu tiên.

Gavi đang tìm kiếm thêm nguồn quỹ nhằm đạt được mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho 70% dân số ở các quốc gia nghèo hơn cho tới tháng 7/2022.