Covid-19: Hơn 400.000 người chết trên toàn cầu, Brazil xóa sạch số liệu về dịch bệnh

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới ghi nhận hơn 7 triệu ca nhiễm Covid-19 và 400.000 người tử vong, Bộ Y tế Brazil vừa xóa các số liệu thống kê về Covid-19 suốt những tháng qua khỏi website.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 109.775 trường hợp mắc bệnh Covid-19 và 3.276 ca tử vong. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu là 7.078.897 ca, trong đó có 404.975 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 3.453.287 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 53.663 và 3.220.635 ca đang điều trị tích cực.
 Thế giới ghi nhận hơn 400.000 người tử vong vì dịch Covid-19 tính đến sáng 8/6.
Khu vực châu Mỹ, nhất là Mỹ Latinh, chứng kiến đại dịch diễn biến phức tạp, theo hướng nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu đang đẩy nhanh nới lỏng các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.
Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước châu Á và châu Âu, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nguy cơ về làn sóng dịch thứ hai ngày càng rõ.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới, dù xu thế dịch bệnh đang có chiều hướng giảm dần. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt quá 2 triệu người.
Mỹ đã ghi nhận 18.423 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 370 trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 và thiệt mạng tại nước này lên lần lượt 2.006.967 và 112.466 ca.
Song Mỹ hiện đối mặt với nguy cơ một đợt bùng phát dịch bệnh mới khi các bang đang đẩy nhanh việc mở cửa trở lại, giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc bùng nổ ở hơn 300 TP của Mỹ hiện nay.

 Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã vượt quá 2 triệu người.

Tại TP New York - tâm dịch của Mỹ, phát biểu trước báo giới ngày 7/6, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết chính quyền quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ngay lập tức, trong bối cảnh TP nổi tiếng này của Mỹ sắp mở cửa trở lại sau nhiều tháng phong tỏa vì dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 cũng đang lan rộng một cách đáng quan ngại tại Mỹ Latinh, khu vực này, xét cả về chỉ số người mắc mới, số ca tử vong và tốc độ lây lan.
Tính đến hết ngày 7/6, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã ghi nhận thêm 121 trường hợp tử vong do mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 36.078 người, trong khi số trường hợp nhiễm bệnh cũng lên tới 678.360 người.
Như vậy, Brazil là quốc gia có số người mắc Covid-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, trong khi số ca tử vong đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh. 
Trong khi đó, website của Bộ Y tế Brazil, cổng thông tin quan trọng để theo dõi tình hình Covid-19 ở nước này, hôm 5/6 bị đóng và mở lại vào ngày 6/6 với giao diện mới, chỉ thể hiện số ca nhiễm, trường hợp tử vong và hồi phục trong vòng 24 giờ qua. Đến cuối ngày, Bộ Y tế Brazil báo cáo 27.075 ca nhiễm bệnh Covid-19 mới và thêm 904 ca tử vong.
 Bộ Y tế Brazil vừa xóa sạch số liệu về dịch Covid-19 trên website.
Toàn bộ số liệu về Covid-19 suốt thời gian qua, ở từng bang và TP đều không còn. Tổng số ca nhiễm và ca tử vong ở nước này cũng không hiển thị.
"Dữ liệu tích lũy này không phản ánh đúng thực tại ở Brazil hiện nay", Tổng thống Jair Bolsonaro viết trên Twitter, dẫn một thông báo từ Bộ Y tế. "Giới chức đang tiến hành các biện pháp nhằm cải thiện việc báo cáo số ca nhiễm và xác nhận những trường hợp được chẩn đoán".
Chile trong 24 giờ qua là quốc gia Mỹ Latinh có số ca tử vong cao nhất và cũng là cao nhất thế giới, với 649 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.190 người.
Số ca mắc Covid-19 mới tại Chile cũng tăng thêm 6.405 người trong ngày 7/6. Hiện tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 134.150 người.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 134 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số người chết lên 5.859. Số ca nhiễm tăng thêm 8.984, lên 467.673. Nước này bắt đầu nới dần phong tỏa từ ngày 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau.
Chính phủ Nga tuần trước bắt đầu dỡ bỏ các giới hạn nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, nói rằng tình hình đã ổn định và tiến hành mở cửa trở lại nền kinh tế. Thủ tướng Mikhail Mishustin thông báo một kế hoạch ba giai đoạn nhằm vực dậy đà suy giảm của nền kinh tế do dịch bệnh. Ông Mishustin tin nền kinh tế sẽ ổn định vào cuối năm nay, hoàn toàn phục hồi vào nửa đầu năm sau và sẽ đạt được tăng trưởng bền vững vào cuối năm 2021.
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Tây Âu đang trên đà giảm ổn định. Tây Ban Nha ghi nhận thêm 240 ca nhiễm và một ca tử vong, với số người nhiễm và chết lần lượt là 288.630 và 27.136. Nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế từ hôm 25/5, nhưng tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì ít nhất tới 21/6.
Anh báo cáo thêm 1.326 ca nhiễm và 77 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 286.194 và 40.542. Anh là một trong những quốc gia châu Âu cuối cùng nới lệnh phong tỏa, vốn có hiệu lực từ 23/3. Một số trường học và nhà hàng được mở cửa trở lại vào 1/6. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giới chức Anh mở cửa quá vội vàng khi số ca nhiễm và chết mỗi ngày vẫn cao.
Italia ghi nhận thêm 197 ca nhiễm và 53 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 234.998 và 23.899. Từ 3/6, Italia cho phép tự do di chuyển khắp đất nước, dù việc này khiến nhiều quan chức lo ngại. Tổng thống Sergio Mattarella cảnh báo "cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt", nói thêm rằng các tổ chức và cá nhân vẫn sẽ phải đối mặt với những hậu quả và tổn hại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần