CPI - một năm nhìn lại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng, giảm giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2011 là 0,53%, tính chung cả năm là 18,13%.

Một năm nỗ lực
 

Nhìn lại tốc độ tăng CPI năm 2011 có thể thấy, mặc dù CPI tháng 12 tăng cao hơn so với 2 tháng trước đó nhưng lạm phát đã bước đầu được kiềm chế. Việc tăng cao hơn trong tháng 12 là xu hướng chung của hầu hết các năm từ nhiều năm qua. Hơn nữa, tốc độ tăng vẫn ở mức thấp hơn của tháng 12 cùng kỳ trong 2 năm trước đó và vẫn ở mức dưới 1%. Đây là kết quả của việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ sớm được ban hành từ tháng 2.

Tốc độ tăng dư nợ tín dụng năm nay chỉ bằng 1/3 các năm trước (các năm trước có năm lên đến trên 30%). Bội chi ngân sách Nhà nước/GDP trong mấy năm trước ở mức cao, năm nay đã thấp hơn (còn 4,9%), vừa thấp hơn của năm trước (5,6%), vừa thấp hơn dự toán (5,3%).

Tỷ giá VND/USD đầu năm tăng cao nhưng sau đó cơ bản được giữ ổn đinh, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức giảm xuống góp phần ổn định tâm lý, một nguyên nhân quan trọng giảm lạm phát.

Tuy nhiên, tính chung cả năm, CPI vẫn tăng ở mức cao khi so sánh dưới các góc độ khác nhau. CPI năm 2011 cao thứ hai trong 20 năm qua (chỉ sau tốc độ tăng 19,89% của năm 2008). Chênh lệch giữa tốc độ tăng CPI và tốc độ tăng GDP lên đến trên 12,2% cũng cao thứ hai trong 20 năm qua. Đây cũng là tốc độ tăng rất cao so với các nước, cao gấp khoảng 3 lần của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc có tốc độ tăng GDP cao gấp rưỡi của Việt Nam.

Tiềm ẩn nhiều thách thức

Tuy có được kết quả khả quan nhưng nếu nhìn lại CPI năm vừa qua vẫn thấy đầu tư và tiêu dùng/GDP của Việt Nam mất cân đối lớn. Đầu tư và tiêu dùng vượt quá xa so với sản xuất, phải dựa vào nguồn vốn nước ngoài, dựa vào nhập siêu. Hiệu quả đầu tư và năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Hệ số ICOR (vốn đầu tư trên một đơn vị sản phẩm) của Việt Nam lên đến 6,2 lần, cao gấp rưỡi, gấp đôi các nước, trong đó của khu vực nhà nước còn cao gấp rưỡi hệ số chung. Năng suất lao động của Việt Nam tính bằng USD theo tỷ giá thực tế mới đạt trên 2.000 USD, thấp xa so với nhiều nước. Năm 2011, các chỉ tiêu này chuyển biến còn chậm.

Việc điều chỉnh giá điện, một số dịch vụ là đúng khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhưng nếu không cẩn trọng trong việc điều hành sẽ làm cho giá nhiều mặt hàng sẽ tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến những nỗ lực kiềm chế lạm phát trong năm 2012 tới.

Valid: True