Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI tăng đang trở thành thách thức

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến này đang đặt ra không ít khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu cả năm về tốc độ tăng CPI theo Nghị quyết của Quốc hội là dưới 5%.

CPI đã tăng 2,35%

Theo đó, CPI đã tăng liên tục trong 5 tháng (tính từ tháng 2) là hiện tượng hiếm thấy trong 20 năm qua, trừ những năm có tốc độ tăng cả năm khá cao (như năm 2004 tăng 9,5%, năm 2005 tăng 8,4%, năm 2008 tăng 19,89%, năm 2010 tăng 11,75%, năm 2011 tăng 18,13%). Tính chung 6 tháng đầu năm so với tháng 12/2015, CPI đã tăng 2,35%. Mức tăng này cao hơn nhiều so với các con số tương ứng của cùng kỳ 2 năm trước (năm 2014 tăng 1,38%, năm 2015 tăng 0,73%). Bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng 0,39%/tháng. Nếu những tháng còn lại tăng cao hơn 6 tháng đầu năm thì cả năm sẽ tăng cao hơn mục tiêu do Quốc hội giao. Điều đó có nguyên nhân từ yêu cầu phải thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội. Yêu cầu này đặt ra phải tăng tổng cầu (tăng đầu tư, tăng tiêu dùng, hạ lãi suất cho vay, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng…). Nhưng đây lại là những yếu tố làm tăng CPI. Giá cả nhập khẩu tính bằng USD tăng so với các tháng trước cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng thì nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang giảm giá nội tệ của họ sâu hơn so với USD (đồng tiền Brazil giảm 42%, Colombia giảm 37%, Ấn Độ giảm 5%, Indonesia giảm 13%, Malaysia giảm 19%, Thái Lan giảm 5%).
CPI tăng đang trở thành thách thức - Ảnh 1
Ngoài ra, cũng phải kể đến lãi suất vay ngân hàng còn cao, tiền thuê địa điểm sản xuất kinh doanh khá lớn, các phí "bôi trơn" khá phổ biến… Những yếu tố này đã làm giảm, thậm chí triệt tiêu lợi nhuận của DN, hoặc DN muốn "sống" được đã phải tìm cách nâng giá bán (nâng đơn giá, giảm lượng, cân đo thiếu…). Trong khi hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng năng suất lao động (yếu tố sâu xa, tiềm ẩn của lạm phát) thấp hơn năm trước, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và không đạt được mục tiêu. Tiếp đó có thể kể đến nguyên nhân do tăng trưởng tín dụng những tháng tới sẽ khá cao, bởi cả năm theo dự kiến có thể lên đến trên dưới 20%, trong khi 5 tháng đầu năm chưa được 1%/tháng. Bên cạnh đó, thời tiết khí hậu năm nay cũng khắc nghiệt hơn đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp (quý I đã bị giảm, nếu cả năm giảm thì đây là năm giảm đầu tiên tính từ năm 1981). Giá lương thực và nhiều loại nông sản thực phẩm rục rịch tăng.

Giá hàng hóa diễn biến khó lường

Một yếu tố khác cũng cần chỉ ra, đó là việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với xăng dầu (CPI tháng 6 tính từ 16/5 đã 2 lần giá xăng dầu tăng) làm cho giá giao thông tháng 6 tăng 2,99%; nếu so với tháng 4 còn tăng 5,45%. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền cho rằng: Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, giảm liên tục đã tác động đến dịch vụ hàng hóa. Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C Hồ Quốc Nguyên cho biết: Mặc dù xăng được giảm giá nhưng dầu diezen lại tăng, đây là nguyên nhân các DN sản xuất, vận chuyển vin vào để chưa giảm giá hàng hóa. Do đó, hàng hóa bán tại siêu thị vẫn giữ nguyên giá. Trong khi đó, tại hệ thống chợ truyền thống cũng trong tình trạng tương tự. Cùng với thời tiết nắng nóng, những tác động trên khiến nhu cầu tiêu dùng trong tháng 6 chỉ bằng 60 - 70% so với tháng 5. Ngoài ra, giá dịch vụ y tế (sau 5 tháng tăng 33,99%, sau 6 tháng tăng 34,02%); giá dịch vụ giáo dục (sau 5 tháng đã tăng 2,52%, sau 6 tháng tăng 2,61%)… Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu năm nay không tăng giá điện, cẩn trọng tăng giá dịch vụ y tế… Nhưng do giá điện bậc thang, thời tiết nóng kéo dài, dùng nhiều, đơn giá điện thực tế theo đó mà cao lên.

Từ những phân tích trên cho thấy, CPI những tháng cuối năm sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, là những thách thức không nhỏ với nền kinh tế.
Con số CPI chỉ là phần nổi vì khi giá các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường tăng mới được thống kê, phản ánh vào CPI. Quan trọng phải quan tâm đến những “tảng băng chìm”, đó là tình trạng bội chi ngân sách, nợ công ở mức cao và nợ xấu ngân hàng mới là nguy cơ lớn. Những năm gần đây, ngân sách Nhà nước (NSNN) có mức thâm hụt ngày càng tăng. Bội chi NSNN đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời kéo theo, nợ công cũng tăng từ mức 50,1% GDP năm 2011 lên 62,2% GDP năm 2015, tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Thâm hụt ngân sách và bội chi sẽ là những yếu tố tác động xấu và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lạm phát.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong 

Lạm phát chung và lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đang tiệm cận với nhau. Điều này thể hiện chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định. Không như nhiều người lo ngại lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng đến CPI. Tuy nhiên, mặt trái của sự tăng chi tiêu của Chính phủ sẽ kéo theo hiệu ứng tăng giá ở một số lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ do gia tăng cầu, dẫn đến tình trạng lạm phát. Mặt khác khi các nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng tăng cao mà NSNN lại thiếu hụt sẽ dẫn đến không đủ nguồn vốn đối ứng dành cho phát triển.
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Thủy