CPI tăng thấp, cơ sở để chuyển sang kiểm soát lạm phát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2015 giảm 0,21% so với tháng trước.

Như vậy, lạm phát cộng dồn sau 9 tháng chỉ tăng 0,4%. Từ diễn biến trên có thể dự báo CPI sẽ tăng thấp xa mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra là 5%. Do vậy, cần phải chuyển từ “kiềm chế lạm phát” sang “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”. Việc này cũng đáp ứng với yêu cầu của phục hồi tăng trưởng.

Lạm phát đang quá thấp

Theo đó, xét theo thời gian, bình quân 9 tháng năm 2015 mức tăng CPI trên được coi là quá thấp. Sau khi giảm khác thường vào 2 tháng đầu năm, CPI đã tăng liên tục, nhưng với tốc độ thấp trong 5 tháng tiếp theo, giảm trong tháng 8 và giảm trong tháng 9. Với mức tăng 0,4% so với tháng 12/2014, tốc độ tăng CPI 9 tháng qua được coi là thấp nhất so với tốc độ tăng trong cùng kỳ của 13 năm trước đó (bình quân tăng 7,3%). Xét bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước CPI cũng tăng thấp (0,74%).

 
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Thành Công. 	 Ảnh: Nguyễn Lâm
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Thành Công. Ảnh: Nguyễn Lâm
Xét theo 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ, sau 9 tháng vẫn có 2 nhóm giảm (Giao thông giảm 6,88% và Bưu chính viễn thông giảm 0,33%). Trong 9 nhóm còn lại tuy tăng, nhưng không có nhóm nào tăng cao. Ngay trong nhóm lớn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (gồm 3 nhóm nhỏ), thì lương thực là nhóm hàng thiết yếu nhất vẫn tiếp tục giảm (2,3%). 

Theo địa bàn, tốc độ tăng/giảm cũng không cách nhau lớn, kể cả các trung tâm tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa. Như vậy, dù xét dưới góc độ nào, thì CPI 9 tháng qua cũng khá thấp đến mức Thủ tướng Chính phủ đã phải có ý kiến chỉ đạo “lạm phát đừng để thấp quá mà chủ động kiểm soát theo mục tiêu”.

Hơn nữa, trong cuộc họp mới đây Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất thấp, gần như bằng 0 kéo dài trong 7 năm qua, với nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân mức lạm phát của Mỹ cũng rất thấp (thấp xa so với ngưỡng 2%). Việt Nam là nước đang phát triển, nhưng năm ngoái và năm nay lạm phát đã ở mức thấp hơn cả Mỹ.

Thoát khỏi vòng luẩn quẩn

Lạm phát giảm đã tác động trên một số mặt. Mặt bằng lãi suất giảm. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; khắc phục cơ bản tình trạng đô la hóa, vàng hóa. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên như Dự thảo Văn kiện đã nêu ra.

Lạm phát giảm đã kết thúc chu kỳ tính từ năm 2002 là lạm phát “cứ một năm thấp thì có 2 năm cao” - đó cũng là thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn (Tăng trưởng - lạm phát - thắt chặt - suy giảm - nới lỏng - lạm phát).

Lạm phát giảm đem lại niềm vui cho người tiêu dùng, làm cho lạm phát - là một loại thuế vô hình - không tác động lớn đến thu nhập thực tế của người tiêu dùng.

Lạm phát giảm cùng với “Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước...” được coi là “kết quả kép” từ năm 2014 đến nay. Giữa “kiềm chế” và “kiểm soát”, nhất là “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu” có sự khác nhau cả về tư duy, cả về giải pháp, cả về kết quả.

Về tư duy, kiềm chế lạm phát là “đè” lạm phát thấp xuống; điều này chỉ đúng với khi lạm phát cao, còn khi lạm phát đã thấp xuống rồi, nếu tiếp tục “đè” lạm phát xuống thì đưa đến hiệu ứng phụ, tác động ngược. Còn kiểm soát lạm phát thì có tính linh hoạt hơn; theo đó, khi lạm phát cao thì phải ưu tiên kiềm chế lạm phát, tức là “đè” lạm phát xuống; khi lạm phát thấp thì không những không “đè” mà còn phải chuyển đổi tư duy sang ưu tiên mục tiêu khác, chẳng hạn như ưu tiên tăng trưởng, hay ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.

Về giải pháp, đối với tư duy kiềm chế lạm phát thì thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa một cách kéo dài, thường ít dùng các giải pháp khác như tăng cung hay tăng cầu, còn với tư duy kiểm soát lạm phát thì khi lạm phát cao sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa; khi lạm phát thấp thì nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, tăng tổng cầu...

Về kết quả, với tư duy kiềm chế lạm phát, thì khi lạm phát cao sẽ kéo lạm phát xuống, khi lạm phát xuống mà vẫn cứ kiềm chế thì tăng trưởng cũng xuống theo, DN phá sản, ngừng hoạt động sẽ nhiều và kéo dài như đã xảy ra. Còn với tư duy kiểm soát lạm phát, thì khi lạm phát cao sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa; khi lạm phát thấp sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hỗ trợ thị trường.