Thursday, 09:28 25/02/2016
CPI tăng thấp và những cơ hội
Kinhtedothi -
Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2016 tăng 0,42% so với tháng 1. Tính chung CPI 2 tháng đầu năm 2016 tuy không giảm như 2 tháng đầu năm 2015, nhưng vẫn thuộc loại thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm tính từ 2014 trở về trước.
Giá nhiều mặt hàng giảm tác động lên CPI
Mức tăng thấp còn thể hiện ở nhiều mặt hàng giá còn giảm, như nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông, bưu chính viễn thông. Mức tăng thấp này đã diễn ra trong 2 tháng đầu năm có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán - là thời gian nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn các thời gian khác trong năm cả về số lượng, cả về mức độ cao cấp... Cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã không xảy ra các sốt giá; nếu có tăng cao ở một mặt hàng nào đó, một nơi nào đó, một thời điểm nào đó, thì đã được thị trường và người tiêu dùng điều hóa được ngay. Đây cũng là mức thấp so với chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 5%).
![]() Người dân mua hàng tại siêu thị Hapro Đông Anh.
|
Mức tăng thấp của CPI trong 2 tháng đầu năm do nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng giống như năm trước là giá tính bằng USD nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu giảm 48%, giá khí đốt hóa lỏng giảm 54%, giá bông giảm 18,7%, giá phế liệu sắt thép giảm 14,1%, giá sắt thép các loại giảm 13,4%, giá chất dẻo nguyên liệu giảm 9,8%, giá xơ sợi dệt giảm 2,5%... Mặc dù tỷ giá VND/USD tháng 1/2016 tăng 5,28% so với cùng kỳ, nhưng giá nhiều mặt hàng trên tính bằng VND cũng giảm theo, tuy mức giảm thấp hơn.
Một yếu tố quan trọng là quan hệ giữa tổng cung và tổng cầu tuy không còn chênh lệch lớn như mấy năm trước, nhưng về cơ bản cầu vẫn còn thấp hơn cung. Tính từ đầu năm đến 15/2 so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu (giảm 20,8% so với giảm 18%), nên nếu cùng kỳ năm trước nhập siêu 126 triệu USD thì kỳ này đã xuất siêu 685 triệu USD. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tháng là 1.338, tăng 34,7%; số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 1.2456, tăng 27,5%.
Một số địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều DN thuộc các thành phần kinh tế lường đoán được nhu cầu tăng lên đã chuẩn bị được lượng hàng dồi dào, đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời góp phần bình ổn giá, bình ổn thị trường.
Tác động tích cực lên tỷ giá, tiền tệ
Việc tăng thấp của CPI trong 2 tháng đầu năm là tín hiệu để cả năm nay tiếp tục sẽ là năm thứ ba tăng thấp và thấp xa so với mục tiêu. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các chủ thể trên thị trường có động thái thích hợp.
Lãi suất tiết kiệm sẽ đạt thực dương tương đối dài và với mức khá. Tháng 1/2016 so với tháng 2/2014, CPI tăng 1,2%, còn lãi suất tiết kiệm tính theo kỳ hạn năm trong thời gian tương ứng đạt khoảng trên 12%, tức là cao gấp 10 lần tăng giá tiêu dùng. Khả năng năm 2016 cũng sẽ tiếp tục thực dương (CPI tăng khoảng 3%, lãi suất khoảng 6 - 7%).
Lãi suất vay ngân hàng, mặc dù đã được hạ xuống ở mức trước khủng hoảng, nhưng vẫn còn cao so với tỷ suất lợi nhuận của các DN (tỷ suất lợi nhuận của DN cả nước mới đạt dưới 4%, trong đó DN Nhà nước 6,5%, DN ngoài Nhà nước chỉ có 1,25%, DN có vốn đầu tư nước ngoài 6,7%). Trong điều kiện CPI tăng thấp, tiêu thụ và tồn kho của các DN còn cao, thì việc hạ lãi suất cho vay là cần và có khả năng để hỗ trợ các DN.
Trong điều kiện giá thấp, xu hướng tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi..., các DN có thể tranh thủ cơ hội này để nhập khẩu, tập kết nguyên nhiên vật liệu sản xuất, đón cơ hội phục hồi.
Giá tăng thấp, điều hành tỷ giá theo phương thức trườn bò, lãi suất gửi USD bằng 0, Ngân hàng Nhà nước có thể đẩy mạnh mua vào USD để vừa tăng dự trữ ngoại hối, tăng sức mạnh tài chính của đất nước, hoặc để trả nợ, giảm nợ nước ngoài...