Theo công bố của Tổng cục Thống kê, với mức tăng 1,25%, CPI tháng 1 năm nay tăng cao thứ 4 so với tháng 1 trong 10 năm qua, cao hơn tốc độ tăng của tháng 1 năm trước và ngang bằng với tốc độ tăng bình quân của 9 năm trước đây (1,25%). Trong 13 nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, có 11 nhóm giá tăng, trong đó có 3 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung là thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,4%, thực phẩm tăng 1,96%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,30%; 9 nhóm tăng thấp hơn tốc độ chung (lương thực tăng 0,15%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,6%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,42%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,36%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,54%, giáo dục tăng 0,3%, văn hoá giải trí và du lịch tăng 0,33%, giao thông tăng 0,03%, hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,74%)... Chỉ duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm với mức giảm là 0,05%.
Giá thực phẩm tăng đã kéo giá tiêu dùng lên theo. Ảnh: Hải Linh
Và những cảnh báo
CPI tháng 1 năm nay tăng cao hơn cùng kỳ năm trước đã phát đi những tín hiệu cảnh báo đáng lưu tâm. Với mục tiêu được đề ra là CPI năm nay phải thấp hơn năm trước nên việc kiểm soát CPI ngay từ tháng đầu tiên của năm mới có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng CPI tháng 1 năm nay đã tăng cao hơn, trong khi hầu hết các tháng còn lại của năm 2012 CPI đều tăng rất thấp, thậm chí tháng 6, tháng 7 còn giảm.
Một lý do quan trọng là tháng 2 (với chu kỳ tính CPI từ 16/1 đến 15/2) - tháng có Tết cổ truyền - giá cả thường tăng cao hơn tháng 1. Số liệu thống kê lịch sử cho thấy hệ số giữa CPI của tháng 2 so với của tháng 1 bình quân từ năm 2004 đến năm 2012 là 1,77 lần. Theo đó, CPI tháng 2 sẽ cao hơn CPI của tháng 1 và có thể cao hơn CPI tháng 2 năm trước (1,37%).
Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) của tháng 1 các năm từ 2004 - 2013
Một lý do quan trọng khác là sự biến động của giá thực phẩm nói riêng và giá tiêu dùng nói chung trong 9 năm qua đã lặp đi lặp lại có tính chu kỳ cứ 1 năm tăng thấp lại có 2 năm tăng khá cao. Thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tiêu dùng của dân cư, nên giá thực phẩm tăng sẽ kéo giá tiêu dùng chung lên theo. Giá thực phẩm năm trước tăng thấp (0,95%), nhưng năm nay sẽ tăng cao nếu chu kỳ trên được lặp lại, mà còn do quan hệ cung - cầu thực phẩm năm nay mất cân đối hơn so với năm 2012. Năm trước nhập khẩu lậu thực phẩm khá lớn, nhưng từ cuối năm 2012 đến nay đã được kiên quyết chặn lại. Tổng đàn gia súc, gia cầm thời điểm 1/10/2012 bị giảm so với cùng thời điểm năm trước (đàn trâu giảm 3,1%, đàn bò giảm 4,5%, đàn lợn giảm 2,1%, đàn gia cầm giảm 4,4%). Trận bão bất ngờ tràn vào các tỉnh ven biển Bắc bộ và thời tiết lạnh gần đây đã làm cho sản xuất thực phẩm bị thiệt hại, giá thực phẩm có nguy cơ tăng cao hơn vào dịp Tết.
Một lý do quan trọng nữa là giá cả thế giới, nếu năm trước giảm (giá xuất khẩu giảm 0,54%, giá nhập khẩu giảm 0,33%), thì năm nay có thể sẽ không giảm, thậm chí có thể tăng, do tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế lớn có dấu hiệu phục hồi, trong khi các gói kích thích kinh tế và lãi suất thấp được giữ trong thời gian dài trước đó. Tỷ giá năm trước giảm (0,96%), năm nay có thể tăng để kiềm chế nhập siêu, nhưng sẽ làm xuất hiện "nhập khẩu lạm phát" và làm "khuếch đại lạm phát" ở trong nước.