CPI tháng 9 giảm nhiệt: Không thể chủ quan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lạm phát, vấn đề nóng nhất đã được hạ nhiệt một phần, khi tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng 0,82% so với tháng 8. Đây là tốc độ tăng thấp nhất tính từ tháng 9 năm ngoái.

Nhiều yếu tố làm chậm đà tăng CPI

 

Đây là tháng thứ hai CPI tăng chậm lại và là tháng thứ tư có CPI thấp hơn lãi suất tiết kiệm. Như vậy, lãi suất gửi tiết kiệm, nếu từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 5 năm nay, lãi suất bị thực âm (thấp hơn tốc độ tăng CPI), từ tháng 6 năm nay đã chuyển sang thực dương.

 

Cũng theo Tổng cục Thống kê, sau một năm (tức là tháng 9/2011 so với cùng kỳ năm trước) CPI đã tăng 22,42%, thấp hơn tốc độ tăng tương ứng 23,02% của tháng 8. Như vậy, "đỉnh" lạm phát của năm nay đã rơi vào tháng 8. Nói cách khác, nếu năm trước lạm phát thấp vào đầu năm, tăng cao vào cuối năm, thì năm nay, lạm phát cao vào đầu năm và có thể thấp hơn vào cuối năm.

 

 

CPI tháng 9 giảm nhiệt: Không thể chủ quan - Ảnh 1

 

 CPI qua các tháng (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê

 

Sự hạ nhiệt của tình trạng lạm phát trong mấy tháng nay do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là do giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng chi tiêu cho tiêu dùng - đã hạ nhiệt và thấp hơn tốc độ tăng chung. Đặc biệt, giá thực phẩm sau khi sốt vào tháng 5, tháng 6, tháng 7, đến tháng 8 đã tăng thấp hơn và tháng 9 đã giảm 0,28%. Ngoài ra, phải kể đến nguyên nhân do tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán rất thấp trong 7 tháng đầu năm cùng độ trễ của nó đến nay phát huy tác dụng. Nhưng còn có nguyên nhân do đầu tư và tiêu dùng đã "co" lại. Tỉ lệ vốn đầu tư/GDP giảm mạnh so với năm trước, trong đó từ nguồn ngân sách Nhà nước tính theo giá thực tế thì tăng, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì bị giảm và tỉ trọng nguồn vốn này trong tổng vốn đầu tư xã hội đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố tăng giá lại thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước và đã chậm lại khá nhanh qua các tháng từ đầu năm đến nay. Tỉ giá sau khi tăng cao vào 18/2 đã cơ bản ổn định; dự trữ ngoại tệ của quốc gia đã tăng khá.

 

Vẫn nhiều nguy cơ

 

CPI đã giảm, tuy nhiên, kiềm chế lạm phát tiếp tục là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong điều hành kinh tế từ nay đến cuối năm. Những căn cứ để có cảnh báo và đề ra mục tiêu ưu tiên như trên có nhiều, nhưng có thể thấy, sau 9 tháng (tức tháng 9/2011 so với tháng 12/2010), CPI đã tăng 16,63%. Nếu 3 tháng cuối năm nay tăng bằng với mức trung bình 3 tháng cuối năm trong 19 năm trước (tăng 1,7%), thì cả năm 2011 CPI sẽ tăng trên 18,6%, cao hơn chỉ tiêu mà Chính phủ mới điều chỉnh gần đây (18%); nếu tăng cao hơn cả năm sẽ tăng cao hơn nữa.

 

Các yếu tố là nguyên nhân sâu xa, tiềm ẩn của lạm phát như hiệu quả đầu tư, năng suất lao động thấp chưa chuyển biến nhiều, thậm chí hệ số ICOR cả năm nay còn có thể cao hơn (gần 6,4 lần so với gần 6,2 lần), tốc độ tăng năng suất lao động có thể còn tăng thấp hơn (khoảng 3,1% so với khoảng 3,9%).

 

Bên cạnh đó, những yếu tố trực tiếp tạo sức ép đối với CPI vẫn còn lớn. Tốc độ tăng tín dụng, tăng tổng phương tiện thanh toán từ tháng 8 tăng khá cao so với 7 tháng đầu năm và nếu chỉ tiêu cả năm không giảm xuống (tương ứng là 20% và 15 - 16%), thì "dư địa" trong 3 - 4 tháng cuối năm sẽ cao hơn nhiều so với mức trung bình tháng trong 7 tháng đầu năm. Mặt bằng lãi suất giảm là cần thiết để ngăn chặn suy giảm tăng trưởng, nhưng tác động phụ của nó là tiền từ hệ thống ngân hàng ra lưu thông sẽ tăng lên, trong khi tiền tự lưu thông vào hệ thống ngân hàng sẽ giảm xuống. Tỉ giá hiện đang bị sức ép bởi nhập khẩu vàng để hạ giá ở trong nước đang liên tục cao hơn giá thế giới, bởi sự đáo hạn của các khoản vay ngoại tệ tăng với tốc độ cao trước đây.

 

Ngoài ra phải kể đến nhu cầu đầu tư và tiêu dùng thường tăng cao vào cuối năm, nhất là năm nay Tết Nguyên đán đến sớm hơn năm trước. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục từ trước tới nay, trong khi giá xuất khẩu đang có xu hướng cao lên.