Đây là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, CPI tháng 9 có mức giảm so với tháng trước đó và so với tháng 12 thì đây cũng là mức tăng thấp nhất, dưới 1%. Tính chung từ đầu năm, hiện lạm phát mới ở mức 0,4% - thấp nhất trong vòng một thập kỷ và cách xa giới hạn mà Quốc hội thông qua là 5%.
Nguyên nhân giá tiêu dùng vẫn giảm tiếp, chủ yếu là do 4 nhóm hàng hóa đã có chỉ số giá giảm mạnh. Trong đó, có nhóm chiếm tỷ trọng lớn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông; bưu chính viễn thông. Đặc biệt, nhóm giao thông giảm mạnh nhất với mức 3,17% so với tháng trước. Diễn biến đi xuống này là do giá xăng giảm 2 lần vào các ngày 19/8 và 3/9 khiến CPI của tháng 9 giảm khoảng 0,28%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm mạnh cũng là do giá gas giảm liên tiếp 4 tháng, qua với tổng mức giảm là 37.500 đồng/bình 12 kg và chi phí giá điện sinh hoạt giảm 0,32%. Theo đó, giá gas trong nước điều chỉnh giảm do giá gas nhập khẩu trong tháng 8 giảm 62,5 USD, chốt giá ở mức 330 USD/tấn và đây là tháng thứ tư liên tiếp giá gas liên tục giảm nhẹ với tổng mức giảm 37.500 đồng/bình 12 kg. Ngoài ra, hiện nay thời tiết đã chuyển sang mùa Thu nên nhu cầu sử dụng điện giảm làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 0,32%. Thêm vào đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào cùng với giá xăng dầu giảm làm chi phí vận chuyển giảm nên chỉ số lương thực-thực phẩm giảm 0,14%, Ở chiều ngược lại, giá nhóm hàng giáo dục tăng cao nhất, lên tới 1,24% do 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí và nhu cầu tiêu dùng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh vào năm học mới tăng cao. Giá dịch vụ y tế một số tỉnh được điều chỉnh tăng cũng khiến chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,5% so với tháng trước. Trong tháng, chỉ số giá USD trên trong nước tăng 2,71% do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ từ mức 21.376 VND/USD lên 21.890 VND/USD, tăng 1% (ngày 19/8) đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3% nhằm ổn định thị trường ngoại hối, đón đầu quyết định tăng lãi suất của FED và ứng phó kịp thời với tình hình biến động của thị trường tài chính của các nước có quan hệ thương mại lớn. Tháng này, giá vàng trong nước tiếp tục biến động theo giá vàng thế giới. Đáng chú ý với thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tăng tỷ giá đã khiến vàng SJC trong nước xác lập mức giá trên 35 triệu đồng/lượng(ngày 19/8). Tuy nhiên, giá vàng trong nước đã điều chỉnh dao động quanh mức 33,98 triệu đồng - 34,06 triệu đồng/lượng vàng SJC.
Ảnh minh họa. |