Khởi sắc rõ nét
Sau gần 6 năm thực thi, Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các đối tác CPTPP cũng khởi sắc rõ nét.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương - Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, CPTPP đã mang lại những lợi ích rất tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của Việt Nam và chúng ta có thể thấy được những sự tăng trưởng vượt bậc trong kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước CPTPP.
Đơn cử, kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta đến thời điểm 2023 khoảng 95,5 tỉ USD, trong khi 2019 khoảng 77 tỉ USD. Như vậy, có một sự tăng trưởng rất lớn và thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước CPTPP cũng có sự tăng trưởng từ năm 2019 chỉ khoảng 1,6 tỷ USD thì hiện nay là 4,7 tỷ USD.
Năm 2023 kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta với các nước chưa có FTA này khoảng 12 tỉ USD và gấp hai lần so với năm 2019 khi mà chúng ta chưa có FTA này; thặng dư thương mại cũng tăng trưởng rất lớn, chúng ta tăng trưởng từ 5 tỉ USD lên mức năm 2023 là 9 tỷ USD.
9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước CPTPP đến nay được khoảng hơn 76 tỉ USD và tăng trưởng khoảng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với những tăng trưởng về mức thặng dư, hiện Việt Nam cũng đang thặng dư khoảng 6,6 tỷ USD, tức là những con số hết sức ấn tượng về kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước CPTPP và đặc biệt là những thị trường mà chưa từng có FTA.
Các nhà đầu tư nước ngoài từ các thành viên CPTPP như Singapore, Nhật Bản đã tiếp cận thị trường Việt Nam một cách rất tích cực để họ nhìn nhận những cơ hội từ CPTPP rất lớn nên họ xâm nhập tận dụng những hiệu quả từ Hiệp định FTA này. Thế nhưng, quá trình thực thi FTA cũng như tận dụng lợi thế từ CPTPP không phải chỉ có kết quả tích cực, cần phải tiếp tục thúc đẩy hơn nữa.
Vẫn cần nỗ lực
Là một trong những doanh nghiệp có kết nối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, Giám đốc CNCTech Thăng Long (Tập đoàn CNCTech) Nguyễn Thành Trung cho biết: tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp nước ngoài; nâng cao về chất lượng sản phẩm. Đồng thời phát triển được nguồn nhân lực, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, có thể cạnh tranh được một cách sòng phẳng với các công ty nước ngoài.
Theo Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty ô tô Toyota Việt Nam Nguyễn Trung Hiếu, doanh nghiệp đã có những hoạt động hợp tác rất chặt chẽ với các đối tác cung ứng Việt Nam trong những năm qua. Đối với Toyota, việc gia tăng nhà cung cấp nội địa vào chuỗi cung ứng của Toyota sẽ tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, tìm kiếm nhà cung ứng trong nước. Nhờ đó, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài, nhà sản xuất có sự chủ động hơn rất nhiều với nguồn cung trong nước.
Mặt khác, khi áp dụng Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp có thêm một lựa chọn, thêm cơ hội để cân nhắc những nguồn linh kiện từ Nhật Bản hoặc từ các thành viên khác trong hiệp định. Hơn nữa, khi lộ trình áp dụng của Hiệp định CPTPP đối với ngành ô tô về 0% vào khoảng năm 2030 – 2031 sẽ giúp doanh nghiệp có sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường Việt Nam.
Đáng chú ý, “sự kết hợp hoàn hảo giữa linh kiện đầu vào cho chế biến, chế tạo tại Việt Nam và xuất đi một thị trường trong CPTPP, giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới cũng như tăng thêm được doanh số”- ông Nguyễn Trung Hiếu nói.
Từ thực tế, theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, quá trình thực thi CPTPP cũng cho thấy, phần lớn doanh nghiệp tận dụng được các FTA này là các doanh nghiệp FDI. Điển hình là những doanh nghiệp trong những lĩnh vực linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, máy tính… còn những doanh nghiệp liên quan đến nông, thủy sản là những doanh nghiệp thế mạnh của Việt Nam thì mức độ tận dụng còn tương đối hạn chế.
Bên cạnh đó, tỷ trọng hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường CPTPP còn hạn chế, không chỉ CPTPP mà những FTA thế hệ mới khác như EVFTA hay UKVFTA cũng chỉ dưới 10%. Với những thị trường CPTPP như Mexico và Canada, tỷ lệ đó dưới 2% và tỷ lệ tận dụng ưu đãi với CPTPP năm 2022 chỉ khoảng gần 5%.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương cho rằng, có nhiều giải pháp khác nhau để các doanh nghiệp có thể tận dụng được CPTPP hay các FTA nói chung. Một trong số đó là kết hợp với các doanh nghiệp FDI để hình thành nên một chuỗi cung ứng. Bởi các doanh nghiệp FDI là những tập đoàn đa quốc gia, có năng lực về vốn, kinh nghiệm quản trị toàn cầu và có những công nghệ tiên tiến hàng đầu. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam vào được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI thì có thể học hỏi từ “người khổng lồ” để lớn mạnh nhanh hơn và hội nhập quốc tế được tốt hơn.
Do đó, để có thể gia nhập vào chuỗi FDI hay sẵn sàng trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài thì bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực thay đổi để hấp thụ được những cơ hội trong các FTA.
Ngược lại, không phải chỉ doanh nghiệp Việt Nam thay đổi mà cần sự chung tay “có đi, có lại” của cả các doanh nghiệp FDI. Bởi, khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng được hưởng lợi trên giá trị mảnh đất của Việt Nam, hưởng lợi từ các hiệp định như CPTPP. Vì vậy, các doanh nghiệp FDI cũng cần nỗ lực đồng hành cùng với các doanh nghiệp Việt Nam đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để có thể trưởng thành và đáp ứng được tiêu chuẩn trở thành nhà cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI.
Trong 9 tháng năm 2023 có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 66,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD, thì riêng 2 thành viên CPTPP đã đóng góp 67%: Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,98 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,9 tỷ USD. Trong những năm tới, thu hút FDI từ các nước CPTPP sẽ tiếp tục tăng lên, nhờ Brunei, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Australia vốn là những đối tác truyền thống về thương mại và đầu tư...