CSGT ngăn chặn “ma men” lái xe, gìn giữ an toàn giao thông Thủ đô dịp cận Tết

Vũ Khoa/Giaothonghanoi.kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp cuối năm, các cuộc hội họp, liên hoan diễn ra triền miên dẫn đến số “ma men” điều khiển phương tiện ra đường có xu hướng tăng cao, gây nguy hiểm cho cả bản thân và những người xung quanh. Đáng nói, không ít người vẫn còn tâm lý chủ quan “uống ít nên vẫn đủ tỉnh táo” mà không lường trước hệ lụy.

 CSGT Hà Nội ra quân quyết liệt xử phạt ''ma men'' dịp cận Tết.

Xử lý 2.377 trường hợp vi phạm
Thời điểm gần cuối năm, lưu lượng người dân tham gia giao thông trên các tuyến phố bắt đầu tăng cao do nhu cầu mua sắm, chuẩn bị phục vụ cho các dịp lễ, tết đang tới gần. Đây cũng là khoảng thời gian các cơ quan, đơn vị, DN có nhiều buổi tổng kết, liên hoan cuối năm nên phát sinh thêm các buổi tụ tập, ăn nhậu khiến số lượng “ma men” điều khiển phương tiện tham gia giao thông tăng vọt. Đặc biệt là tại các phố trung tâm Hà Nội, nơi có số lượng phương tiện dày đặc, đông đúc và tập trung nhiều cơ quan, công sở, nguy cơ nêu trên càng bị nhân lên gấp nhiều lần.
Do vậy, bắt đầu từ 8 giờ ngày 15/12/2021 đến 14/02/2022, các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt ra quân triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT, mở đợt cao điểm trong các đợt Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các lễ hội đầu xuân 2022.
Trong đó, Công an Hà Nội tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thường xảy ra trong dịp cuối năm và Tết, như: Lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma tuý, vi phạm quy định tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; lập phương án đấu tranh phòng, chống đua xe trái phép và tội phạm trên các tuyến giao thông.
Theo thống kê, chỉ trong 3 ngày đầu thực hiện cao điểm ra quân bảo đảm ANTT dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, toàn TP đã xử lý 2.377 trường hợp vi phạm, tạm giữ 83 phương tiện, 460 giấy tờ, tước 133 giấy phép lái xe. Trong đó có 46 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; cùng với đó là các loại vi phạm điển hình như không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ sai quy định, không tuân thủ tín hiệu đèn...
 Nhiều phương tiện bị tạm giữ.

Uống ít cũng chịu phạt
Trong bối cảnh trên, cùng với tình hình dịch bệnh ở một số quận, huyện có dấu hiệu gia tăng, nhằm thắt chặt kiểm soát, lực lượng CSGT đã thực hiện một số biện pháp, xử lý, lập biên bản hàng loạt “ma men” lưu thông liên địa bàn.
Tại quận Đống Đa, Đội CSGT số 3 đã lập chốt tại điểm giao cắt giữa ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ để triển khai chuyên đề nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, qua đó phát hiện, xử lý nhiều trường hợp uống rượu, bia tại quận Ba Đình lưu thông qua địa bàn quận Đống Đa. Đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã tạm giữ nhiều phương tiện, GPLX.
Những ngày qua, các Đội CSGT số 2, số 6, số 7 (Phòng CSGT – Công an TP) cũng đồng thời ra quân trên các địa bàn quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm… Ngoài việc xử lý vi phạm, các tổ công tác đã bảo đảm giao thông thông suốt; ngăn chặn nhiều hành vi đi vào đường cấm, đi sai làn trên các cầu Thăng Long, Nhật Tân, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy… nối 2 bờ sông Hồng.
Điều đáng nói, không ít người vi phạm còn viện cớ liên hoan, tổng kết... để thanh minh cho hành vi vi phạm. Một số lại trình bày với lực lượng chức năng rằng mình uống ít, vẫn đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện, ví dụ như trường hợp người điều khiển xe máy BKS 29Y1-041.xx, có nồng độ cồn là 0,473 miligam/1 lít khí thở, anh này thanh minh "vừa uống một ly bia" đã bị xử phạt.
 Nhiều người còn tâm lý chủ quan.

Theo thiếu tá Lã Sơn Tùng, Tổ trường tổ công tác - Đội CSGT số 3, tất cả các trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc lập biên bản xử phạt, còn bị tạm giữ phương tiện. Trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn mức từ 0,250 - 0,400 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 4,5 triệu, tước GPLX 17 tháng và tạm giữ phương tiện đến 7 ngày. Nếu điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn mức trên 0,400 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền 7 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng và bị tạm giữ xe máy đến 7 ngày.
Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm có liên quan đến bia, rượu, việc này không những chỉ gây thiệt hại cho người vi phạm mà còn là nỗi sợ hãi với những người lưu thông trên đường phố. Người dân chúng tôi rất hoan nghênh đợt ra quân kịp thời, đúng thời điểm cuối năm của các chiến sỹ phòng CSGT Công an TP Hà Nội để đảm bảo ATGT, ANTT. Sự có mặt của lực lượng trên các tuyến phố giúp chúng tôi an tâm hơn khi ra đường mua sắm, thăm thân, chúc tết..
Chị Nguyễn Bích Ngọc (phường Phương Mai, quận Đống Đa)
Tôi đã từng bị tai nạn vì không làm chủ được xe máy sau khi liên hoan với bạn bè, may mắn là hậu quả không quá nặng nề. Tuy vậy, sau đó tôi đã không còn chủ quan, luôn tự nhủ “đã uống rượu là không lái xe” vì chỉ một chút lơ là sẽ bỏ lại cả gia đình, tương lai ở phía sau. Tôi rất ủng hộ sự quyết liệt của lực lượng chức năng TP Hà Nội trong công tác gìn giữ ATGT, đặc biệt là trong thời điểm cận kề năm mới 2022.
Anh Phạm Văn Khánh (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần