Cứ 10 người Việt thì có 8 người tiêu dùng số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới phát hành của Google, Temasek và Bain & Company nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 23 tỷ USD trong năm nay, tăng 28% so năm ngoái.

Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á, tỷ lệ tăng trưởng nền kinh tế số của Việt Nam đạt 28% cao hơn Singapore, Indonesia, Philippines (22%), Thái Lan (17%) và Malaysia (13%). Dự báo đến 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 49 tỷ USD, với mức tăng trưởng hàng năm 31%.

Cứ 10 người Việt thì có 8 người tiêu dùng số.
Cứ 10 người Việt thì có 8 người tiêu dùng số.

Theo báo cáo này, một trong những động lực giúp kinh tế số Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ là sự phát triển của ngành thương mại điện tử với giá trị dự kiến đạt 14 tỷ USD, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì, hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%).

Trong báo cáo kinh tế số thường niên của Google, Temasek và Bain & Company, người dùng kỹ thuật số thành thị tại Việt Nam có mức tiếp nhận dịch vụ kỹ thuật số cao nhất, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, thực phẩm và tạp hóa đứng đầu danh sách với tỷ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%.

Mặt khác, tần suất một người Việt Nam tiêu thụ nội dung số thấp hơn mức trung bình của khu vực, với 23% người tham gia khảo sát cho biết, họ xem video theo yêu cầu ít nhất một lần mỗi tuần, tiếp đến là 19% cho hoạt động chơi game online và 16% cho hoạt động nghe nhạc theo yêu cầu. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DFS) tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Lĩnh vực cho vay kỹ thuật số đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) nhanh nhất ở mức 114%, và lĩnh vực đầu tư dự kiến ​​sẽ có bước nhảy vọt lớn nhất vào năm 2025 với mức hơn 106% CAGR.

Hơn nữa, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn.

“Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm nay với nền kinh tế kỹ thuật số có tốc độ phát triển nhanh nhất và thương mại điện tử có tốc độ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á”, bà Stephanie, Phó chủ tịch Google Châu Á Thái Bình Dương, Phụ trách khu vực Đông Nam Á cho biết.

Báo cáo của Google có nhiều điểm tương đồng với báo cáo được Meta công bố trước đó. Theo Meta, tại Việt Nam, gần 8/10 dân số là người tiêu dùng kỹ thuật số. Đây cũng là giai đoạn người Việt sử dụng nhiều nền tảng số nhất, với số nền tảng tiêu dùng tăng từ 8 nền tảng năm 2021 lên 16 năm 2022.

Công bố mới của Lazada cũng có điểm tương đồng khi nền tảng này đánh giá trong giai đoạn bình thường mới, nền kinh tế Việt Nam dần phục hồi và được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Người tiêu dùng tiếp tục duy trì thói quen mua hàng trực tuyến, cứ 10 người thì sẽ có 8 người tiếp tục mua sắm online vì sự thoải mái và tiện lợi.