Củ cải rớt giá, nông dân khóc ròng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá củ cải bán ra thị trường chưa tới 1.000 đồng/kg nhưng vẫn không tiêu thụ được. Cực chẳng đã, nhiều nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đã nhổ củ cải chất thành đống rồi thuê xe chở… đi đổ.

Ảnh: Trọng Tùng
Đi dọc cánh đồng thôn Đông Cao, xã Tráng Việt những ngày này, không khó để bắt gặp hàng tấn củ cải được người dân chất đống đầu bờ chờ xe tới vận chuyển ra bãi sông Hồng để… đổ đi. Bà Hoàng Thị Sáng, xóm 4, thôn Đông Cao cho biết, chi phí sản xuất mỗi sào củ cải vào khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, giá củ cải bán ra thị trường hiện chưa tới 1.000 đồng/kg. Tính ra, với hai sào củ cải, vụ này, bà Sáng thất thu gần 5 triệu đồng. Không chỉ vậy, để chuẩn bị đất canh tác vụ rau sau, bà Sáng còn phải ngậm ngùi bỏ ra số tiền hàng triệu đồng để thuê người nhổ và vận chuyển toàn bộ diện tích củ cải đi nơi khác.
Trao đổi với một thương lái tại đây, được biết: Mỗi sào củ cải thường được thu mua với giá khoảng 2,5 triệu đồng (tính ra khoảng 500 - 700 đồng/kg). Dù vậy, thương lái phải mất thêm chi phí thuê người nhổ khoảng 800.000 đồng/sào, cộng với 1 ngày công rửa củ cải trung bình 300.000 đồng. Trong khi, giá bán ra thị trường hiện chỉ được khoảng 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường hiện nay rất thấp nên giá thu mua bị giảm là đương nhiên. Nhiều thương lái thậm chí đã ngừng mua vì đang tồn kho quá nhiều.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Đàm Văn Thìn, hiện, diện tích trồng củ cải toàn xã khoảng 140ha với gần 1.000 hộ tham gia canh tác, chủ yếu thuộc thôn Đông Cao. Sản phẩm rau an toàn nói chung của địa phương đã có thương hiệu và việc tiêu thụ nhìn chung khá dễ dàng. Dù vậy, năm nào cũng có một đợt, thường là sau dịp Tết Nguyên đán, giá củ cải giảm.
Tuy nhiên, mức giảm như năm nay là cao nhất và thời gian biến động giá cũng kéo dài nhất. Khi được hỏi về hỗ trợ cho nông dân, ông Thìn cho biết: Hàng năm, xã chỉ phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội, huyện Mê Linh tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, chứ không có hỗ trợ cụ thể nào về trang thiết bị vật tư và đặc biệt là khâu tiêu thụ.

Thực tế, trong tổng số 140ha canh tác củ cải tại xã Tráng Việt, có khoảng 80ha do HTX Nông nghiệp thôn Đông Cao tổ chức sản xuất. Ông Vũ Văn Kỳ - Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm của các thành viên đều được gắn tem, nhãn mác ghi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng hiện nay vẫn có những hoài nghi về chất lượng, do lầm tưởng củ cải giống Hàn Quốc và Nhật Bản của bà con với các giống củ cải của Trung Quốc, Đài Loan sản xuất. Cũng theo ông Kỳ, việc tiêu thụ củ cải nói riêng, rau an toàn của HTX nói chung vẫn chủ yếu do bà con tự tiêu thụ. Số lượng tiêu thụ qua kênh hợp tác xã chỉ khoảng 7%.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, ngay trong chiều 15/3, huyện đã tổ chức họp bàn giải pháp. Theo bà Hà, về mặt quy định Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ nông sản mất giá mà chỉ có hỗ trợ thiệt hại do thiên tai. Trước mắt, huyện đang tuyên truyền bà con thu hoạch, cắt lát và phơi khô củ cải để tiêu thụ, tránh tình trạng đổ bỏ gây lãng phí. Ngày hôm nay (16/3), huyện sẽ làm việc với một số sở, ngành để thống nhất giải pháp thu mua củ cải hỗ trợ tiêu thụ cho bà con.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần