Cú đòn tai hại

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khoảng thời gian rất ngắn, Tòa án hình sự quốc tế của Liên Hợp quốc (ICC) đã liên tiếp bị ba thành viên ở châu Phi là Burundi, Nam Phi và Gambia tuyên bố ly khai.

Đây là những cú đòn thực sự tai hại đối với cả thể diện lẫn uy danh của ICC và làm cấp thiết thêm nhu cầu cần phải được cải tổ cơ bản đối với ICC.

Cả ba nước này cũng như nhiều quốc gia khác nữa ở châu Phi và tổ chức Liên minh châu Phi (AU) đều không hài lòng với định hướng và thực tiễn hoạt động cho tới nay của ICC, cho rằng ICC chỉ tập trung nhằm vào các nước châu Phi và thiên vị những nước Phương Tây. ICC không tránh khỏi tình trạng "Lý dẫu ngay nhưng tình vẫn gian" khi trong cả thảy 10 vụ thụ lý kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2002 đến nay thì có tới 9 vụ nhằm vào các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các quốc gia châu Phi. Chính phủ Gambia thậm chí còn nói thẳng ra rằng ICC là "toà án của người da trắng chống lại người da đen". Chính phủ Nam Phi lập luận cho quyết định rút khỏi ICC rằng tham gia ICC cản trở nước này thực hiện những trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế. Còn Burundi quyết định chia tay ICC để không bị buộc phải hợp tác với ICC tiến hành điều tra chống lại chính Tổng thống nước này. Danh sách những quốc gia châu Phi rút ra khỏi ICC chắc chắn sẽ không chỉ bao gồm 3 nước này và cũng không thể loại trừ tất cả 54 thành viên AU rồi đây sẽ nhất trí trong khuôn khổ AU đồng loạt và đồng thời ly khai ICC.

ICC được thành lập với động cơ và mục đích tích cực. Nhưng rõ ràng là nếu không thay đổi cả định hướng lẫn phương cách hoạt động thì ICC không thể hoạt động hiệu quả và sẽ mất dần thành viên chứ không tăng dần được thêm thành viên. ICC phải được cải tổ trong cả tổ chức lẫn về cơ chế hoạt động để có được mức độ công minh và công bằng thật sự thuyết phục và đáng tin cậy ở tất cả các thành viên. Nếu không, cú đòn tiếp đây sẽ còn tai hại hơn đối với ICC.