Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động
Thời gian gần đây, nhiều bảo tàng đang tìm hướng đi mới thông qua nhiều phương thức, từ việc phát triển tour du lịch đến việc mạnh dạn chuyển đổi số. Đơn cử, tháng 3/2023, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam tổ chức chùm tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” với chủ đề “Hồn quê làng Việt”. Đây là sản phẩm thường niên của hai đơn vị, với mục đích mang đến trải nghiệm mới cho du khách, đặc biệt là hướng tới khách quốc tế đến Hà Nội.
Khởi động từ tháng 12/2022, tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” do Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức có những cách kể, cách tiếp cận văn chương khác biệt để những di sản văn học đến gần với công chúng.
Bên cạnh đó, một số bảo tàng như: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... cũng có những đổi mới trong việc có thêm mô hình trưng bày trực tuyến, tăng cường quảng bá và tương tác trên các nền tảng số, sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm đa dạng hóa trải nghiệm thực tế.
Theo Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT&DL), trong quý 1/2023, các Bảo tàng, Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ghi nhận lượng khách tham quan tăng mạnh. Trong đó, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tính từ ngày 20/11/2022 đến 20/2/2023, tổng số khách tham quan hơn 1,2 triệu khách.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đón hơn 31.800 lượt khách, khách nước ngoài chiếm 25%. Ngoài ra, Bảo tàng cũng đón khoảng 10.000 lượt khách tham dự các triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng và triển lãm của các cá nhân, đơn vị khác; tổ chức thành công các triển lãm chuyên đề, phối hợp với Trung tâm Văn hóa châu Á đưa 6 tác phẩm đi trưng bày tại Hàn Quốc.
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng về lượng khách tham quan. Năm 2022, Bảo tàng đón hơn 60.000 lượt khách, trong đó có 18 đoàn khách quốc tế.
Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón hơn 440.000 lượt khách tham quan. Bảo tàng cũng thực hiện tốt công tác trưng bày, sưu tầm, kiểm kê hiện vật; Xây dựng nội dung, đăng tải 4 clip với các chủ đề: “Thơ chúc tết Kỷ Dậu 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Tháng 5 nhớ sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Lịch sử nước ta” và đăng tải 13 câu chuyện trong chuyên mục “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên Website, Fanpage Bảo tàng.
Tăng tính liên kết
Bên cạnh những kết quả khả quan, hoạt động của các bảo tàng có những hạn chế cần khắc phục. Đơn cử, có vị trí liền kề nhưng lượng khách giữa Khu Di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh còn có sự chênh lệch không nhỏ. Trong đó, lượng khách tham quan Bảo tàng còn khiêm tốn so với lượng du khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Trước hiện tượng này, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Phạm Định Phong cho rằng, dù đại dịch Covid- 19 đã được khống chế và hoạt động của các Bảo tàng, di tích đang trên đà phục hồi trở lại nhưng thực tế nói trên vẫn đặt ra bài toán phải có các giải pháp để thu hút nhiều khách nhất có thể. Để làm được điều này, Lãnh đạo Cục Di sản Văn hoá đề nghị lãnh đạo Bộ VHTT&DL chỉ đạo các Bảo tàng, Khu Di tích trong hệ thống có hoạt động chỉ dẫn du khách từ Bảo tàng này sang Bảo tàng khác, tạo tính liên thông kết nối giữa các đơn vị.
“Sắp tới, sẽ cho thí điểm việc đặt tờ gấp hoặc có hình thức khác để chỉ dẫn giữa các Bảo tàng, Khu di tích. Thực tế lượng khách đến Bảo tàng Hồ Chí Minh chưa được một nửa so với Khu Di tích Phủ Chủ tịch, chúng ta cần đặt câu hỏi, nửa chênh lệch còn lại đã được làm hết cách để khắc phục hay chưa?”- ông Phạm Định Phong đặt vấn đề.
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ VHTT&DL với các Bảo tàng, Khu Di tích trực thuộc Bộ, các Bảo tàng, Khu di tích cũng nêu một số khó khăn, tồn tại như trang thiết bị hỗ trợ các tổ hợp trưng bày đã cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công chúng tham quan. Một số bảo tàng cơ sở vật chất đã xuống cấp, hệ thống ánh sáng trưng bày đã quá cũ, lạc hậu, việc đảm bảo an ninh, an toàn hiện vật, trang thiết bị vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL các bảo tàng thuộc Bộ cần đẩy mạnh liên kết, phối hợp trên cơ sở chia sẻ lợi ích, tiếp tục đẩy mạnh số hóa tài liệu, các di sản, tư liệu lưu trữ để phục vụ du khách ngày một tốt hơn.
Các bảo tàng cần có những phương án trưng bày thường xuyên theo chuyên đề 6 tháng, 1 năm để du khách luôn thấy bảo tàng có những cái mới, cái hay. Cần phải kể những câu chuyện mới, gửi gắm những thông điệp mới qua từng chuyên đề để du khách cảm nhận được điều mới mẻ mỗi khi đến tham quan bảo tàng.
Từ những hoạt động làm mới, bảo tàng cần tính đến hợp tác với các công ty du lịch. Hai bên cần thỏa thuận với nhau trong việc đưa khách đến tham quan để cùng có lợi nhuận trong hoạt động dịch vụ này.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam