Cú huých phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo Thủ đô
Kinhtedothi – Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, Hà Nội đang xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội của TP để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tiệm cận với thông lệ của quốc tế.
Xây dựng 6 nghị quyết về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Một trong những định hướng lớn của Hà Nội đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020 - 2025 của TP cũng xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh”. Điều đó cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong việc trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Triển khai thực hiện Nghị quyết 57, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, mà còn là cơ hội để Thủ đô đi trước một bước trong đổi mới tư duy quản lý, hoàn thiện thể chế, xây dựng chính quyền đô thị hiện đại, lấy hiệu quả phục vụ người dân, DN làm thước đo thực chất nhất cho năng lực bộ máy.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 57, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Ảnh minh họa
Trong hơn 6 tháng qua, từ lúc Nghị quyết 57 được được ban hành, Hà Nội đã có những bước đi đầu tiên, quyết liệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó không thể không kể đến đóng góp của Sở KH&CN Hà Nội.
Để hiện thực hoá chủ trương, định hướng, mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ của T.Ư và TP, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo xây dựng 6 Nghị quyết nhằm tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Thủ đô. Các nghị quyết nhằm triển khai thi hành Luật Thủ đô cũng như những Nghị quyết của Bộ Chính trị, chính sách pháp luật mới nhất của Quốc hội, Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống cơ chế, thể chế hóa các chủ trương, chính sách, quy định của T.Ư phù hợp với điều kiện cụ thể của Hà Nội. Đồng thời, xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội của TP để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tiệm cận với thông lệ của quốc tế.
Tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết, trong số 6 Nghị quyết về khoa học, công nghệ, Sở được TP giao tham mưu soạn thảo 4 Nghị quyết. Nghị quyết thứ nhất về việc quy định chi tiết một số chính sách đặt thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết quy định 5 nhóm chính sách đặc thù quan trọng, thiết thực, trong đó nhiều nội dung là điểm mới lần đầu tiên được thể chế ở cấp TP.
Theo Giám đốc Sở KH&CN Trần Anh Tuấn, từ trước tới nay đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ, tuy nhiên chưa khơi gợi được hết tiềm năng sức mạnh của lĩnh vực này. Nhiều nghiên cứu khoa học chưa đi vào thực tiễn, nhiều “bài toán lớn” của TP liên quan tới khoa học, công nghệ chưa có lời giải. Để tháo gỡ những nút thắt của khoa học, công nghệ, Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặt thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội sẽ cộng hưởng sức mạnh, gỡ bỏ mọi rào cản trước đây, tạo cho nhà khoa học sự chủ động cao.
Cụ thể, cho phép TP đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm, nhằm khuyến khích DN, tổ chức tư nhân đầu tư nghiên cứu, được công nhận là nhiệm vụ trọng điểm và hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Quy định cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ sử dụng ngân sách thông qua Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội. Hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua sắm và vận hành thiết bị cho đề tài nghiên cứu, tối đa 50% chi phí mua sắm với dự án sản xuất thử nghiệm, cùng việc hưởng ưu đãi tương tự DN công nghệ cao.
Đặc biệt, là cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, trong đó đối tượng được mở rộng gồm cả chuyên gia trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài có uy tín. Áp dụng cơ chế khoán chi đến kết quả, sản phẩm cuối cùng, thay vì phải lập dự toán chi tiết như hiện nay...
Nghị quyết thứ hai quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội. Đối với Nghị quyết này, Hà Nội sẽ có cơ chế hấp dẫn ưu đãi nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, huy động tập hợp những tập đoàn lớn về cùng với Hà Nội. Đặc biệt, việc đầu tư trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm một cách chuyên nghiệp sẽ bồi đắp ý tưởng cho startup.
Nghị quyết thứ 3 về việc thông qua Đề án thành lập Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội. Sàn có chức năng hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, kết nối các nhà đầu tư, quỹ tài chính và các thiết chế tài chính liên quan. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô và quốc gia.
Nghị quyết thứ 4 quy định hoạt động thử nghiệm có kiểm soát tại Hà Nội. Mục tiêu nhằm tạo lập môi trường thử nghiệm để hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm thử nghiệm phù hợp với nhu cầu của thị trường, đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của các giải pháp thử nghiệm. Qua đó, thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm thử nghiệm mới mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.
TS Lê Văn Hoạt - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội đánh giá, việc HĐND Hà nội ban hành các nghị quyết thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách từ thực tiễn, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị mà còn nhằm kịp thời thực thi nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quốc hội đã giao. Bởi, Hà Nội giữ vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước, có vai trò dẫn dắt và thúc đẩy phát triển vùng và quốc gia. “Sau khi 6 Nghị quyết trên được thông qua sẽ tháo gỡ cơ bản những nút thắt, đồng thời là cú huých để ngành khoa học, công nghệ Thủ đô bứt phá” – TS Lê Văn Hoạt đặt kỳ vọng.

Nghị quyết 57: Đột phá hạ tầng 5G và hệ sinh thái dữ liệu số quốc gia
Kinhtedothi - Nghị quyết 57-NQ/TW mở ra kỷ nguyên mới cho chuyển đổi số Việt Nam, trong đó trọng tâm phát triển hạ tầng mạng 5G hiện đại và hệ sinh thái dữ liệu số chủ quyền, góp phần thúc đẩy kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự ra mắt 3 nền tảng số phục vụ triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW
Kinhtedothi - Sáng 2/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2025.

TP Hồ Chí Minh phát động giải thưởng báo chí viết về Nghị quyết 57-NQ/TW lần I - năm 2025
Kinhtedothi – Ngày 26/6, Sở Khoa học và Công nghệ cùng Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh phát động Giải thưởng Báo chí viết về Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.