8 tháng làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội
Ngày 2/3/1946, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã họp tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự có mặt của gần 300 đại biểu. Tại kỳ họp diễn ra chưa đến một ngày này, Quốc hội đã công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Quốc hội cũng đã bầu Ban Thường trực gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết, do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban.
Cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội chỉ 8 tháng nhưng ở trong một bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” của dân tộc: Ký hiệp định sơ bộ để “giảng hòa với Pháp nhằm giành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới...”; Ở Nam bộ, chiến tranh bùng nổ do sự gây hấn của Pháp, chính phủ “Nam kỳ tự trị” do Nguyễn Văn Thinh đứng đầu được dựng lên; Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh và một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Việt Quốc, Việt Cách bỏ nhiệm vụ, rời bỏ Tổ quốc theo quân đội Tưởng sang Trung Quốc... Trong bối cảnh đó, theo yêu cầu của Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội đã triệu tập Kỳ họp thứ 2 tại Hà Nội từ 28/10 - 9/11/1946.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu. |
Tại kỳ họp này, Trưởng ban Nguyễn Văn Tố đã đọc diễn văn khai mạc, khẳng định: “Ban Thường trực Quốc hội lúc nào cũng chú trọng đến quyền lợi của quốc gia và Nhân dân và đã giúp Chính phủ trong việc thực hành những phương sách thích hợp để giữ gìn đời sống cho dân chúng”. Trong thời điểm khó khăn ấy, cụ vẫn có một niềm tin sắt đá: “Chúng ta tin chắc rằng nước ta, với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể đồng bào, sẽ giành được độc lập và đi tới vinh quang và hạnh phúc”.Trong thời gian làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Nguyễn Văn Tố đã kiên quyết, khôn khéo giải quyết nhiều vấn đề phức tạp. Ví dụ, tại kỳ họp thứ 2, có đại biểu chất vấn: Tại sao Ban Thường trực lại đưa vấn đề thay đổi quốc kỳ ra thảo luận? Trưởng ban Nguyễn Văn Tố trả lời: Tuy Quốc hội khóa trước đã quyết nghị thế, nhưng Chính phủ sau đó có đề nghị với Ban Thường trực thay đổi một vài chi tiết thì tất nhiên phải thảo luận. Và kết quả là cương quyết giữ được nguyên lá cờ đỏ sao vàng, cho nên Ban Thường trực báo cáo lại việc ấy, đó không phải là đặt lại vấn đề thay đổi cờ mà là để tỏ ra rằng đã làm tròn ủy nhiệm của Quốc hội khóa họp thứ nhất...Ngày 9/11/1946, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, trước tình hình đất nước chuẩn bị bước vào một cuộc kháng chiến trường kỳ, Quốc hội đã bầu lại Ban Thường trực và cụ Bùi Bằng Đoàn giữ chức Trưởng ban, thay cụ Nguyễn Văn Tố. Trước đó, ngày 3/11/1946, Chính phủ liên hiệp đã được cải tổ, cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức Bộ trưởng không bộ, phụ trách một số công việc quan trọng của Chính phủ.Liệt sĩ Bộ trưởng đầu tiênKháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ lên Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo toàn dân thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày 7/10/1947, giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, cụ Nguyễn Văn Tố bị chúng bắt và đã hy sinh trước họng súng của kẻ thù. Trong cuốn hồi ký: “Chiến đấu trong vòng vây”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Ta biết rõ hôm ấy, bọn lính dù bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín.
Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta”. Về sự hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Vũ Đình Hòe cho chúng tôi biết: “Không phải là chúng bắt được ông cụ rồi bắn chết ngay mà còn giam lỏng một thời gian ngắn tại một căn nhà trên đồi ở chợ Chu, Bắc Kạn. Chúng đã dụ dỗ, mua chuộc để cụ theo Pháp nhưng cụ không chịu. Nhân một buối chiều, trời nhá nhem tối, cụ tìm cách thoát thì bị bắn chết”.Cụ Nguyễn Văn Tố là liệt sĩ Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ, để lại đằng sau những nung nấu, ước muốn cống hiến cho dân, cho nước, cho cách mạng; nhiều công trình nghiên cứu lịch sử của cụ cũng bị dang dở. Gương hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố để lại tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào. Cụ Vũ Đình Hòe, một cộng sự đắc lực của cụ Nguyễn Văn Tố thời hoạt động ở Hội Truyền bá Quốc ngữ cũng như sau này cùng tham gia Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ tình cảm với vị huynh trưởng quá cố: “Rừng Việt Bắc - đất Tổ bạt ngàn/ Hồn sĩ phu - nòi Hùng muôn thuở!/ Liệt sĩ Nguyễn Văn Tố/ Nhân, Trí, Dũng - Một bậc hiền”.
Năm 1948, ngay sau khi vượt qua được giai đoạn “cầm cự” của cuộc kháng chiến, Chính phủ đã tổ chức Lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố ngay tại núi rừng Việt Bắc. Trong bài truy điệu, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dành những lới lẽ trân trọng, thống thiết: “Nhớ cụ xưa/Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng/ Phú quý, công danh, cụ nào có thiết/... Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt...”.
Cụ Nguyễn Văn Tố là liệt sĩ Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ, để lại đằng sau những nung nấu, ước muốn cống hiến cho dân, cho nước, cho cách mạng; nhiều công trình nghiên cứu lịch sử của cụ cũng bị dang dở. Gương hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố để lại tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào. |