Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cụ thể hóa các chính sách để gỡ khó nền kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,32% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây là một trong những nét nổi bật trong điều hành kinh tế những tháng đầu năm 2013 được các thành viên Chính phủ ghi nhận tại phiên họp thường kỳ ngày 28/2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 
 
 
 
Cụ thể hóa các chính sách để gỡ khó nền kinh tế - Ảnh 1
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Các giải pháp đang phát huy hiệu quả tích cực

Cùng với tăng cường các biện pháp kiểm soát giá cả thị trường, phòng chống buôn lậu; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ưu tiên trước hết tập trung xử lý nợ xấu của cả hệ thống và từng tổ chức tín dụng, bảo đảm khả năng thanh toán, xử lý tình trạng sở hữu chéo và tăng tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thủ tướng cũng lưu ý đến việc không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng; đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền; giảm thiểu tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề rủi ro.

Cùng với việc tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01 và 02/NQ - CP của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất… bên cạnh việc CPI tăng thấp, nguồn cung hàng hóa ổn định (đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán) tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm cũng có những tín hiệu tích cực. 

Đặc biệt, theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp lần này cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện ở mức 6% tổng dư nợ. Con số này giảm đáng kể so với mức hơn 8% được công bố hồi giữa năm ngoái. Về kết quả này, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại buổi họp báo thường kỳ sau phiên họp nhận định: "Trong bối cảnh công ty mua bán nợ của Ngân hàng Nhà nước chưa được thành lập, diễn biến này là rất đáng khích lệ". 

Mặc dù tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm là một tín hiệu đáng lo, khi đây được xem là một công cụ điều hành quan trọng đối với kinh tế vĩ mô nhưng ông Vũ Đức Đam tin rằng, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 12%, cơ quan điều hành sẽ có giải pháp để "dàn đều" tín dụng trong 10 tháng còn lại, tránh dồn vào một thời điểm, gây áp lực lên lạm phát. Quá trình này cũng sẽ được tiến hành song song với quá trình hạ lãi suất. Đây cũng là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp khi mà tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, các thành viên Chính phủ cho rằng trong những tháng tới, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là; cần thận trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành. 

Cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách

Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này được các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận là triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đến các các bộ, ngành, địa phương. Không chỉ tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các chương trình lớn trong Đề án cần được chỉ đạo, triển khai cụ thể trên cơ sở thể chế bằng các quy định, quyết định, trong đó tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư; xử lý hàng tồn kho, mở rộng thị trường... Đây được coi là cái gốc giữ đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể, đối với tái cơ cấu đầu tư công, bên cạnh việc huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30 - 35% GDP cũng cần  duy trì ở mức hợp lý các cân đối lớn của nền kinh tế, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn, Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở đề án, các đơn vị cần sớm thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính; đẩy nhanh thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn Nhà nước đã đầu tư ngoài ngànhĐể khơi thông hơn nữa nguồn vốn đến với các doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, bên cạnh  thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quyết liệt hơn trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu thông qua quỹ trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ…; theo dõi sát, điều hành và kiểm soát chặt chẽ tỷ giá; hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. "Việc giải quyết nợ xấu, giải quyết khó khăn về nhà ở cho đối tượng xã hội cũng như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản... ai cũng đồng ý, nhưng phải được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách, giải pháp như thế nào cho có hiệu quả" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
 

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013, các thành viên Chính phủ đã thảo luận để hoàn thiện Dự thảo Đề án "Mô hình tổ chức chính quyền đô thị" trước khi trình Bộ Chính trị dự kiến trong tháng 3 tới. 

Đề án nhằm khắc phục những bất cập nảy sinh trong quá trình đô thị hóa như quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự an toàn xã hội… Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, đơn vị soạn thảo Đề án, nguyên nhân của thực trạng này xuất phải từ yêu cầu việc phát triển đô thị đòi hỏi phải quản lý theo ngành là chủ yếu, khác với nông thôn quản lý theo lãnh thổ là chủ yếu.

Đề án do Bộ Nội vụ trình Chính phủ cho ý kiến lần này gồm các nội dung chính như làm rõ đặc điểm của đô thị khác với nông thôn, từ đó xác định các đặc trưng quản lý chính quyền đô thị; đánh giá hiện trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở nước ta (trong đó có chính quyền đô thị), nêu rõ các hạn chế, bất cập cần khắc phục.