Hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Cụ thể hóa khát vọng phát triển Thủ đô

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau thời gian chuẩn bị công phu và tâm huyết, hôm nay (21/3), Hội thảo khoa học cấp TP "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” diễn ra tại Khách sạn Thắng Lợi (200 đường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Video Trailer Hội thảo. Nguồn: BTC.

Diễn đàn khoa học chuyên sâu này sẽ làm rõ thêm đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các vấn đề khoa học và thực tiễn về văn hiến, văn minh, hiện đại trong quá trình phát triển Thủ đô, đề xuất giải pháp phát huy các giá trị nguồn lực văn hóa nhằm triển khai thực hiện các Nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển Thủ đô Hà Nội.

Ba mục đích

Qua nhiều nhiệm kỳ, Đảng ta luôn kiên trì mục tiêu xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là nền tảng, sức mạnh nội sinh và động lực quan trọng cho phát triển bền vững đất nước.

Lịch sử đã trao cho TP Hà Nội vị thế có một không hai, không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, mà còn là trung tâm gắn kết, thống nhất văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thủ đô.

TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch về phát triển văn hóa, nếp sống văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn
Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn

Với ý nghĩa quan trọng đó, Hội thảo khoa học do TP tổ chức lần này là diễn đàn để các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn thảo luận đưa ra các luận cứ khoa học, giải pháp phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa Thăng Long -

Hà Nội nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, cụ thể hóa Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những chỉ đạo quan trọng của T.Ư và TP về phát triển Thủ đô Hà Nội.

Trao đổi về công tác tổ chức Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết: “Để chuẩn bị cho Hội thảo quan trọng này, TP đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Sở VH&TT đồng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu, tiến độ đề ra.

TP đã tổ chức 6 cuộc họp triển khai công tác chuẩn bị, mời các chuyên gia làm cố vấn tổ chức hội thảo; mời các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, các tỉnh, TP trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô tham gia viết bài Hội thảo”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lại Tấn.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lại Tấn.

Hội thảo được thực hiện với 3 mục đích. Thứ nhất là làm rõ thêm đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, người Hà Nội; vấn đề khoa học và thực tiễn về văn hiến, văn minh, hiện đại trong quá trình xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế, hội nhập quốc tế phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Thứ hai là tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, các giải pháp trong huy động, phát huy nguồn lực giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, trong xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Thứ ba là tuyên truyền, tạo sự thống nhất ở tất cả các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội; văn hóa, con người Hà Nội vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Tham gia đoàn Chủ tịch chủ trì Hội thảo là các đồng chí lãnh đạo Thành ủy cùng các chuyên gia, nhà khoa học uy tín. Cùng với đó là sự tham dự của gần 300 đại biểu đại diện các ban, ngành T.Ư; các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô; các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chính trị - xã hội; DN; các đơn vị của TP.

Ngoài ra, Hội thảo mời một số chuyên gia quốc tế có nhiều nghiên cứu về văn hóa Việt Nam như: GS.TS Philippe Papin, chuyên gia Việt Nam học tại Trường Cao học Thực hành Paris, giáo viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; GS Momoki Shiro (Đại học Quốc gia Osaka, Nhật Bản), giáo viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bốn nội dung lớn

Hội thảo diễn ra trong 1 ngày với 2 phiên, mỗi phiên đều có các tham luận, trao đổi, thảo luận, bảo đảm tính khoa học, tính dân chủ và thực tiễn, góp phần làm rõ thêm đặc tính, giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, vấn đề khoa học, thực tiễn về văn hiến - văn minh - hiện đại; cũng như các ý tưởng gợi mở để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai, giúp cho việc nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội đầy đủ, sâu sắc.

Di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải

Ban Tổ chức Hội thảo đã xác định 4 nội dung lớn, tập trung nhiều bài tham luận chất lượng để thảo luận trong diễn đàn khoa học này, đó là: Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; Nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Hà Nội - Thủ đô di sản, Thành phố sáng tạo, khát vọng phát triển; Các điều kiện, nhiệm vụ, giải pháp huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Trong đó, nội dung thứ nhất tập trung phân tích, làm rõ thêm đặc tính, giá trị của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nhấn mạnh văn hóa văn minh, thanh lịch người Hà Nội, vấn đề khoa học và thực tiễn về “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Nội dung thứ 2 đi vào nhận diện các nguồn lực văn hóa của Thủ đô, trong đó bao gồm các nguồn vốn xã hội, các vấn đề về con người Hà Nội.

Nội dung thứ 3 sẽ đánh giá các giá trị, giải pháp để bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, đặc biệt thông qua việc phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Và nội dung thứ 4 truyền tải các vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa, một số vấn đề cụ thể cần ưu tiên tập trung trong huy động giá trị và nguồn lực văn hóa để phát triển Thủ đô (các công trình văn hóa, quy hoạch, kiến trúc, thiết chế văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, tác phẩm nghệ thuật…).

Hội thảo là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến; huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Kết quả của Hội thảo sẽ là một trong những căn cứ khoa học để các cấp, ngành của TP cụ thể hóa Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Ngoài ra, nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội, Hội thảo tổ chức không gian trưng bày một số sản phẩm nghề truyền thống đặc trưng của Hà Nội như gỗ mỹ nghệ, khảm trai, gốm Bát Tràng, tranh Hàng Trống…; không gian trưng bày các ấn phẩm văn hóa của Thủ đô Hà Nội; không gian trưng bày và trình diễn bộ sản phẩm mô phỏng Nỏ thần An Dương Vương.

Liên hoan Nghệ thuật múa rồng Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Gia Khánh
Liên hoan Nghệ thuật múa rồng Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Gia Khánh

Tại buổi họp báo thông tin về công tác tổ chức Hội thảo (chiều 17/3/2023), Lãnh đạo TP Hà Nội đã khẳng định, công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nghiêm túc để Hội thảo diễn ra đúng tính chất một Hội thảo khoa học thực thụ, đề cao tính khoa học và tính dân chủ, thực tiễn.

Từ những trao đổi, thảo luận tâm huyết từ Hội thảo, TP Hà Nội sẽ nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, góp phần làm rõ thêm đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, của “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, cũng như các ý tưởng gợi mở để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.

Đồng thời, với cách nhìn nhận khoa học và thực tế, cách tiếp cận về nguồn lực văn hóa và những giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, Hội thảo mong muốn, hy vọng khơi dậy niềm tự hào trong thế hệ những người Hà Nội hôm nay, để cùng chung tay xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

 

Hội thảo không chỉ phục vụ công tác lập quy hoạch Thủ đô mà còn là cơ hội TP tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị về những nội dung công việc để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Thành ủy Hà Nội về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trích kết luận của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong tại cuộc họp cùng các sở, ngành, đơn vị về các nội dung liên quan đến công tác tổ chức Hội thảo ngày 7/2/2023.