Cụ thể hóa Luật Thủ đô để khoa học công nghệ phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (19/9), tại UBND huyện Mê Linh (Hà Nội), Sở KH&CN Hà Nội tổ chức hội nghị “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng, quản lý nhãn hiệu tập thể và hệ thống ISO trong quản lý nhà nước phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn Hà Nội”.

 Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh và Phó Chủ tịch UBND Trần Xuân Việt đã tham dự hội nghị.

Theo báo cáo của Sở KH&CN Hà Nội, trong giai đoạn từ 2010-2014, các đề tài, dự án nghiên cứu đã tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới thuộc các lĩnh vực giống cây con, nuôi trồng công nghệ cao, xử lý môi trường... Điển hình các đề tài, dự án: Hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá trắm đen; Nâng cao năng suất chất lượng ổi ăn tươi, bưởi Diễn...  Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội đã có trên 20 nhiệm vụ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đã hoàn thành và tiếp tục triển khai, trong đó có: Tranh thêu Thường Tín, Bưởi tôm vàng Đan Phượng, Rau hữu cơ Sóc Sơn,... Tuy nhiên, ngoài những kết quả, thành tựu đã đạt được, lĩnh vực Khoa học Công nghệ (KH-CN) vẫn còn những hạn chế. Về cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển KH-CN vẫn thiếu, không đồng bộ, mang tính hình thức, hiệu quả còn thấp. Đội ngũ cán bộ quản lý cấp cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về kinh nghiệm. Dẫn đến việc triển khai các khâu còn chậm, hiệu quả chưa cao. Lãnh đạo một số quận, huyện chưa thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động KH-CN, thiếu chủ động đề xuất, đặt hàng các vấn đề thực tiễn cần KH-CN giải quyết....

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Ngô Thị Doãn Thanh đã ghi nhận những thành quả, thành tựu mà KH-CN đã đạt được suốt thời gian qua, đồng thời Chủ tịch cũng chỉ ra những thiếu sót, khuyết, cần quan tâm trong thời gian tới. “KH-CN chưa phát huy hết tiềm năng của đội ngũ các nhà khoa học, cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa như mong muốn, một số chưa gắn với ứng dụng theo nhu cầu sản xuất kinh doanh. Hiệu quả đầu tư một số đề tài còn thấp. Cơ chế quản lý khoa học còn chưa kịp đổi mới. Liên kết 4 nhà còn có chỗ chưa tốt. Để hoạt động KH-CN thực sự là động lực phát triển Thủ đô: Cần huy động cao nhất đội ngũ các nhà khoa học, các cơ quan nghiên  cứu, các trường ĐH, giúp giải quyết các vấn đề an ninh xã hội đặt ra; cần tập trung cho nghiên cứu ứng dụng, nhân rộng các mô hình thành công, phát huy hơn nữa vai trò Quỹ phát triển KH-CN.

UBND TP cần triển khai các cơ chế chính sách trên cơ sở triển khai luật Thủ đô; triển khai, chỉ đạo, cụ thể hóa nghị quyết của Hội đồng, cũng là cụ thể hóa Luật thủ đô tạo điều kiện KH-CN phát triển xứng tầm; chỉ đạo rà soát các văn bản pháp quy và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong quá trình thực hiện các luật cần không tách rời, mà tuân thủ các luật, đặc biệt luật ngân sách; chỉ đạo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn; các địa phương cần chủ động nghiên cứu, đặt hàng nhằm giải quyết các vấn đề của Thủ đô; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cơ chế chính sách hiện có để các tổ chức cá nhân biết và đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển KH-CN Thủ đô.”- Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh chỉ đạo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần