Do vậy, tuyến đê hiện trạng có thể xem xét hạ cao trình mặt đê đất để phục vụ giao thông cho TP. Điều này cũng đồng nghĩa, việc Hà Nội đề nghị hạ thấp cao trình đê để xây dựng công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên chỉ là cụ thể hóa mục tiêu trong tương lai.
Dù đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, tuy nhiên, đề xuất hạ thấp cao trình đê vẫn tạo nên một số ý kiến trái chiều trong giới chuyên gia, các nhà quản lý thuộc lĩnh vực đê điều, thủy lợi. Hầu hết ý kiến chưa đồng tình bày tỏ quan ngại việc hạ thấp cao trình tuyến đê cấp đặc biệt này có thể gây ảnh hưởng tới an toàn phòng chống lũ.Điều này đặt ra bài toán cho Hà Nội, đó là cần xây dựng một phương án khả thi, bảo đảm yếu tố quan trọng nhất là an toàn phòng chống lũ. Ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội lý giải: Việc xin hạ cao trình mặt đê đất không phải là hạ chiều cao đê thấp xuống, mà chỉ là thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê tông cốt thép. Theo phương án được đề xuất, Hà Nội sẽ làm tường bê tông phía ngoài bằng với chiều cao bề mặt đê, còn nửa phía trong tường thì hạ thấp xuống để tổ chức giao thông. Phương án vẫn bảo đảm giữ nguyên cao trình đê sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 13,4m.Thực tế hiện nay, thượng nguồn sông Hồng đã được xây dựng một số đập thủy điện Hòa Bình, Sơn La, và mới đây nhất là thủy điện Lai Châu. Các đập này có chức năng điều tiết lưu lượng nước trên sông Hồng, đồng thời hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng đoạn qua trung tâm TP Hà Nội. Việc hạ thấp cao trình đê sông Hồng phục vụ giao thông cũng không giống như “một thử nghiệm mạo hiểm” của TP Hà Nội. Bởi trên thực tế, tuyến đê phía hạ lưu sông Hồng (đoạn Trần Quang Khải – Yên Phụ) cũng đã được hạ thấp cao trình, thiết kế tường chắn và tổ chức giao thông. Đến nay, vẫn bảo đảm mỹ quan đô thị, an toàn phòng chống lụt bão, đặc biệt là hỗ trợ rất đắc lực cho giảm ùn tắc giao thông. Đây là lần thứ hai TP Hà Nội gửi văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét đề xuất liên quan tới hạ cao trình đê sông Hồng, xây dựng công trình nhằm giải bài toán giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển của Hà Nội. Sau nhiều cân nhắc kỹ lưỡng, trong văn bản phúc đáp mới nhất, Bộ NN&PTNT đã chấp thuận đề xuất của UBND TP Hà Nội. Trong đó, đặc biệt lưu ý Hà Nội trong quá trình triển khai cần xây dựng “biện pháp và phương án thi công phù hợp, bảo đảm an toàn phòng chống lũ”. Không bàng quan trước những lo ngại về an toàn phòng chống lũ trên tuyến đê sông Hồng, tuy nhiên, trong quá trình vận động, phát triển, luôn cần có những cách làm táo bạo trên cơ sở tính khả thi, sự phù hợp và yếu tố mục tiêu. Phương án hay và có thể đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai, nhưng quá trình triển khai cần đặc biệt thận trọng. Hà Nội cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý và đông đảo người dân, tiến tới hoàn thiện phương án thi công. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Thủ đô trước mối hiểm họa ngày một khôn lường của thiên tai.