Cụ thể hóa việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam tại Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình phối hợp công tác năm 2014 giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH),...

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình phối hợp công tác năm 2014 giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội,  ngày 25/12/2014, Uỷ ban MTTQ TP, Đoàn ĐBQH TP phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội”.

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội Đào Văn Bình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà đồng chủ trì hội nghị. 

Phát biểu đề dẫn hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà nhấn mạnh, Luật MTTQ Việt Nam được kỳ họp thứ 5, QH khoá X thông qua ngày 12/6/1999, Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 26/6/1999, đã tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng cho hoạt động của MTTQ, có ý nghĩa to lớn đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong giai đoạn cách mạng mới. 

 
Cụ thể hóa việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam tại Hà Nội - Ảnh 1
Hơn 10 năm qua, Luật MTTQ Việt Nam đã được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Qua đó, đã nâng cao nhận thức của toàn xã hội về MTTQ Việt Nam, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước và TP. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp thống nhất hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận được phát triển cả về số lượng, chất lượng, năng lực trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ đã có nhiều chính sách quan tâm, chăm lo cho cán bộ Mặt trận và các đoàn thể. 

Hoạt động của MTTQ các cấp đã có những chuyển biến tích cực, chủ động, sáng tạo, đạt kết quả cao. Phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô giàu mạnh, văn minh, hiện đại. Vai trò, vị trí của MTTQ ngày càng được nâng cao…Tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn Nguyễn Thị Hồng Hà cũng chỉ ra những hạn chế và gợi mở một số vấn đề để các đại biểu góp ý, thảo luận nhằm bổ sung, hoàn thiện một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tại hội nghị đã có 8 ý kiến phát biểu vào Dự án sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam. Các ý kiến đều tán thành phải sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam theo hướng đổi mới, tiến bộ, phù hợp với tình hình thực tế. Các đại biểu cũng đề nghị Đoàn ĐBQH, Ban soạn thảo Luật cần cụ thể hoá mối quan hệ giữa Đảng với MTTQ trong điều kiện Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là một tổ chức thành viên của MTTQ; làm rõ vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia giám sát, phản biện, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; vai trò của MTTQ trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân…Việc xây dựng tổ chức, bộ máy cán bộ MTTQ, đáp ứng với tình hình, nhiệm vụ mới; cơ chế trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến phản biện của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội đối với UBND, HĐND và các cơ quan Nhà nước cũng cần được quy định cụ thể để phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò giám sát của Mặt trận.

Thay mặt Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà đã tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu để phản ánh lên Thường vụ Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Luật MTTQ sát hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.