Ngày 20/6, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 7 gồm Phạm Thị Thanh Mai, Trần Thị Nhị Hà, Trần Việt Anh đã có buổi tiếp xúc cử tri hai huyện Đan Phượng và Phúc Thọ sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Buổi tiếp xúc được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực truyến, điểm cầu chính tại UBND huyện Đan Phượng.
Khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường Vành đai 4
Tại buổi tiếp xúc, thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội, Đơn vị bầu cử số 7, đại biểu Trần Việt Anh đã báo cáo nhanh kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tới cử tri hai huyện Đan Phượng, Phúc Thọ.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà thay mặt Tổ đại biểu báo cáo tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Đan Phượng và Phúc Thọ sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Trong đó có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Tại buổi tiếp xúc, có 5 ý kiến của cử tri hai huyện Đan Phượng, Phúc Thọ bày tỏ vui mừng, đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, quyết định nhiều nội dung quan trọng mang tính chiến lược. Đồng thời cử tri cũng kiến nghị về 13 nhóm vấn đề liên quan đến đất đai, trợ cấp xã hội, quy hoạch sử dụng đất, triển khai các dự án giao thông, quản lý giá xăng dầu, sách giáo khoa…
Trong đó cử tri Phạm Văn Khôi (huyện Đan Phượng) bày tỏ, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô. Đây là dự án giao thông quan trọng, tạo động lực cho phát triển Thủ đô, giảm tải áp lực giao thông và kết nối với các địa phương lân cận, phát huy hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/2022 về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. “Do đó, cử tri rất mong dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô được triển khai với các bước đi cụ thể, hợp lý” – cử tri Phạm Văn Khôi nói.
Cử tri Phạm Văn Khôi cũng kiến nghị sau khi triển khai dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Quốc hội, Chính Phủ cần có giải pháp khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường để tạo động lực phát triển Thủ đô và các địa phương lân cận.
Kiến nghị tìm giải pháp giảm giá xăng dầu, phân bón
Cử tri Bùi Văn Đức, thôn 5, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT chỉ đạo có biện pháp tái sử dụng sách giáo khoa cũng như quản lý chặt việc sử dụng sách tham khảo, tránh tình trạng lãng phí, tốn kém, tạo gánh nặng cho phụ huynh như hiện nay.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tìm giải pháp giảm giá xăng dầu, phân bón bởi hiện nay các mặt hàng này đang ở mức giá cao, làm gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường, cử tri kiến nghị TP quan tâm đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho người dân. Bên cạnh đó, TP, Bộ NN&PTNT cũng cần quan tâm hơn nữa hệ thống đê kè bờ sống. Hiện nay, việc đầu tư tu bổ đê kè đã được triển khai, tuy nhiên tình trạng khai thác cát vẫn còn tái diễn, ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống đê, kè, tác động đến đời sống của người dân.
Cử tri Nguyễn Quý Mạnh (huyện Đan Phượng) bày tỏ, Luật Đất đai có hiệu lực đã 8 năm, tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Tình trạng vi phạm đất đai có chiều hướng giảm, nhiều hành vi vi phạm về đai được xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó những vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được tháo gỡ…
Tuy nhiên, theo cử tri, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn cho thấy vẫn còn một số nội dung pháp luật về đất đai chưa có quy định điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số nội dung dù đã có quy định nhưng khó khả thi vì chưa phù hợp với điều kiện thực tế.
Cử tri Nguyễn Quý Mạnh kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai. Bổ sung một số trường hợp được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đặc biệt là thu hồi đất phục vụ dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phi nông nghiệp, cần thống nhất giữa Luật Đất đai với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, tạo thủ tục gọn nhẹ khi tổ chức, cá nhân thuê đất chuyển đổi mô hình sản xuất.
“Về giá đất, đề nghị bỏ khung giá đất và có cơ chế xác định giá đất vì nhiều cử tri kiến nghị bảng giá đất 10 năm nay vẫn chưa có điều chỉnh. Cùng với đó hoàn thiện cơ chế chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất” – cử tri Nguyễn Quý Mạnh bày tỏ.
Địa phương cũng cần vào cuộc giám sát vấn đề sách giáo khoa
Thay mặt Tổ đại biểu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri hai huyện Đan Phượng, Phúc Thọ cũng như cử tri đã quan tâm theo dõi, giám sát các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 7 trong quá trình hoạt động.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm. Trong đó đối với dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, đây là một trong 5 dự án trọng điểm quốc gia được trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Dự án là một trong những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm, là một trong những nội dung chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2030.
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cử tri, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khẩn trương của các đơn vị liên quan cũng như quá trình thẩm định kỹ lưỡng của các cơ quan thuộc Quốc hội. Trong các buổi thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dự án này cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, đóng góp của các đại biểu Quốc hội.
Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô đi qua Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên nhưng các địa phương trong Vùng Thủ đô đều được thụ hưởng lợi ích từ dự án. “Đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua dự án công trình đầu tư có nguồn vốn hỗn hợp, có những hợp phần thực hiện theo phương thức đối tác công tư PPP. Các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình cao với cách thức tiếp cận, triển khai dự án của TP Hà Nội cũng như tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
Đối với vấn đề sách giáo khoa, theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đây cũng là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm, trao đổi, tranh luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu, trong đó có chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ giá sách giáo khoa, danh mục sách tham khảo.
“Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tuyệt đối không được phép gợi ý phụ huynh mua sách tham khảo cùng với danh mục sách giáo khoa đã được Bộ ban hành. Các quận, huyện, thị xã, địa phương cũng cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề này trước thềm năm học mới” - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nói.
Tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cũng cho biết, với những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP, Tổ thư ký sẽ tổng hợp chuyển UBND TP giải quyết, trả lời theo thẩm quyền. Đối với những vấn đề cử tri nêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Tổ đại biểu sẽ tiếp thu, báo cáo gửi tới Quốc hội.