Theo đó, 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Cử tri bày tỏ tâm tư, lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra. Chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt.
An toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn ra phức tạp; tình hình cháy, nổ xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và tài sản; thiên tai, mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều địa phương; hiện tượng nước biển ngày càng dâng cao và xâm nhập sâu vào đất liền, nhất là các tỉnh ven biển khu vực Tây Nam bộ, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi.
Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái luật pháp quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cử tri đặc biệt quan tâm việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, cần kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp.
Cùng đó, cử tri kiến nghị nhiều vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; sản xuất, kinh doanh; y tế; giáo dục, việc làm; đất đai; an toàn giao thông… Trong đó, nhiều ý kiến băn khoăn về việc huy động sự đóng góp của người dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn còn cao, nhất là đối với các vùng mật độ dân cư thấp, địa bàn khó khăn.
Giá lúa hiện nay thấp, nguồn cung đã vượt cầu; việc thu mua tạm trữ chỉ là biện pháp tạm thời, chưa thật sự nâng được giá lúa. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng ép giá, hủy hợp đồng thu mua lúa gây thiệt hại cho nông dân. Một số sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ, bị ứ đọng như dừa, hoa màu, mía, tôm, cá lóc…
Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm quy hoạch trồng lúa chất lượng cao, xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp, tăng cường việc áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Với việc Việt Nam đã ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức đạt được thỏa thuận, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ hình thành các chuẩn mực mới cho thương mại toàn cầu.
Cử tri đặc biệt quan tâm đến phát triển ngành nông nghiệp, trước hết là ngành chăn nuôi nước ta trước những thách thức mới.
Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa, chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp, có chính sách để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn lớn, dài hạn để mở rộng sản xuất và hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp để hạn chế phụ thuộc vào nguyên liệu “đầu vào” cho nông nghiệp từ nước ngoài….
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10.
|