Cử tri Hà Nội đề nghị làm rõ nhiều vấn đề dân sinh bức xúc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xét tuyển vào ĐH, vấn đề tham nhũng, sản xuất nông nghiệp, thủ tục mua bảo hiểm...

Kinhtedothi - Việc xét tuyển vào ĐH, vấn đề tham nhũng, sản xuất nông nghiệp, thủ tục mua bảo hiểm y tế, việc tăng giá nước, xăng dầu và xây dựng biểu giá điện mới… là những vấn đề được nhấn mạnh tại báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri Thủ đô gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổng hợp từ các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp vừa qua.

Lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri. Cử tri đề nghị Nhà nước tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại các khu đô thị, không cho phép chủ đầu tư điều chỉnh  phá vỡ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư, giảm diện tích các công trình phúc lợi… Cử tri huyện Hoài Đức đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án đã cấp phép, nếu dự án để hoang hóa thì nên giao lại cho địa phương để có giải pháp sử dụng hiệu quả. Cử tri quận Hoàn Kiếm phản ánh tình trạng tham nhũng, lãng phí xảy ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cấp phép xây dựng cho các công trình, dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực. Hậu quả là trên địa bàn cả nước và TP có nhiều công trình, dự án dang dở vài năm nay nhưng không biết đến bao giờ mới hoàn thiện, đề nghị Quốc hội quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc cấp phép này...

Cử tri một số huyện phản ánh tình trạng ô nhiễm tại sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch… làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, đề nghị Nhà nước, TP cần có giải pháp khắc phục. Đề nghị Nhà nước quan tâm, đầu tư khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập cho người nông dân; có giải pháp quy hoạch vùng sản xuất để tránh tình trạng được mùa mất giá, sản xuất hàng hóa nhưng không có nơi tiêu thụ...

Các vấn đề người bệnh phải chịu giá giường nằm ở các bệnh viện công lập quá cao, trong khi các bệnh viện công lập cơ sở vật chất, trang thiết bị đều do ngân sách Nhà nước đầu tư, đề nghị cần công khai cho người dân được biết căn cứ tính giá giường bệnh...; làm rõ các vụ việc mua máy móc, thiết bị y tế cũ, không còn niên hạn sử dụng…; tăng tiền đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh trong khi chất lượng khám, chữa bệnh cho các chủ thẻ không có gì được cải thiện... cũng là những kiến nghị cử tri đề nghị Quốc hội xem xét.

Nhiều cử tri đề nghị việc xây dựng biểu giá điện mới, Nhà nước chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu quy định giá điện sinh hoạt hợp lý, đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân, hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp...

Quan tâm đến công tác xây dựng Luật và các vấn đề được đưa ra thảo luận tại kỳ họp của Quốc hội, cử tri cho rằng, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và biểu quyết ban hành nhiều dự án Luật để thực hiện, nhưng trong thực tế có những dự án Luật vừa mới được ban hành đã xuất hiện nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Cử tri đề nghị các cơ quan soạn thảo Luật cần bám sát vào tình hình thực tế để tránh việc Luật mới có hiệu lực lại phải sửa đổi. Cử tri cũng phản ánh tại phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, nhiều trường hợp các Bộ trưởng ghi nhận và tiếp thu ý kiến, và hứa trả lời sau. Nhưng trong các cuộc họp tiếp theo không thấy Bộ trưởng trả lời và báo cáo kết quả thực hiện các lời hứa (khi trả lời các câu hỏi) tại kỳ họp trước.