Cử tri quan tâm vấn đề gian lận thi cử, dịch tả lợn Châu Phi

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ sau kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.915 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Trong đó, có 80 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 1.835 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên (tính đến ngày 08/5/2019).
Cử tri phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế xã hội
Cử tri và Nhân dân vui mừng phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế xã hội của đất nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần; an sinh xã hội được bảo đảm, việc chăm lo Tết Nguyên đán cho Nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
 Cử tri quận Hai Bà Trưng kiến nghị tại buổi tiếp xúc.
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát chuyên đề, giám sát các bộ, ngành, địa phương về thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, giải quyết vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh gọn bộ máy, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Nhân dân nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp so với các nước trong khu vực. Tình hình mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện; xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong xã hội; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng tiếp tục xảy ra; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tăng mạnh trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình khiếu nại, tố cáo còn bức xúc ở nhiều địa phương… 
Các vụ “bạo lực học đường” liên tiếp xảy ra
Cử tri và Nhân dân phấn khởi về những kết quả của ngành nông nghiệp như: chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp phát huy hiệu quả, chất lượng một số mặt hàng nông sản được nâng cao, thị trường xuất khẩu được mở rộng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, thị trường “đầu ra” nông sản thiếu ổn định; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; ứng dụng khoa học kỹ thuật còn chậm; dịch tả lợn Châu Phi đã được ngăn chặn bước đầu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương chủ động trong dự báo, thông tin thị trường, phòng chống dịch bệnh, xây dựng thương hiệu nông sản, tiếp tục thực hiện các giải pháp có tính đột phá cơ cấu lại ngành nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, tích cực tuyên truyền người dân “nói không với thực phẩm bẩn”. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân rất lo lắng, bức xúc về một số cơ sở, doanh nghiệp, trường học bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em; nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành chức năng và các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Việc tổ chức các lễ hội truyền thống có nhiều tiến bộ, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Tuy nhiên, việc niêm yết giá các dịch vụ vẫn chưa được kiểm soát; việc lợi dụng, thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” gây bức xúc trong Nhân dân. Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc tổ chức lễ hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động này.
Việc quản lý các trang mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các clip, hình ảnh tuyên truyền lối sống, hành vi phản cảm, bạo lực trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới đạo đức thanh thiếu niên và trật tự an toàn xã hội. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội. 
Cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm chấn chỉnh, nâng cao đạo đức, tác phong và phương pháp làm việc cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, một số quy định của ngành giáo dục và chính quyền địa phương vẫn còn bất cập, việc “chạy theo thành tích” vẫn tồn tại; các vụ “bạo lực học đường” liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi; sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng gây bức xúc trong Nhân dân. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có giải pháp hữu hiệu chống “bệnh thành tích” và khắc phục các yếu kém, vi phạm khác trong ngành, nhất là tại các cơ sở giáo dục; các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội cùng chung tay với ngành giáo dục để khắc phục hạn chế, góp phần tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Cử tri và Nhân dân tiếp tục quan tâm, theo dõi việc xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La; hoan nghênh việc các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý sai phạm. Cử tri và Nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, khắc phục triệt để những hạn chế trong tổ chức thi của các năm trước, trước hết là những “lỗ hổng” trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, ngăn chặn kịp thời gian lận trong thi cử của năm học 2019 - 2020. 

Bên cạnh đó, cử tri cũng có nhiều kiến nghị liên quan đến bảo vệ tài nguyên môi trường; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí;…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần