Cách đây 30 năm (30/7/1994), Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg thành lập Ban An toàn bức xạ và hạt nhân trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH&CN), tiền thân của Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân hiện nay. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, công tác quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân đã có những bước phát triển nhanh chóng, đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn, an ninh cho sự phát triển bền vững của hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình ở nước ta.
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã trở thành cơ quan pháp quy hạt nhân ngang tầm khu vực, giúp Bộ KH&CN thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân, quan trắc phóng xạ mặt trời và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Đồng thời là cơ quan đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế về năng lượng nguyên tử mà Việt Nam là thành viên như: Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân; Hiệp định Thanh sát hạt nhân; Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân…
Ngoài ra, Cục đã phối hợp tích cực và hiệu quả với các đơn vị nghiệp vụ như Cục An ninh kinh tế (A04), Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (K01), Cục An ninh nội địa (A02) của Bộ CA; Bộ TL Hóa, Cục Khoa học quân sự của Bộ Quốc Phòng, Tổng cục Hải quan… trong công tác quản lý an toàn, an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu phóng xạ và hạt nhân, cũng như các hoạt động xuất, nhập khẩu chất phóng xạ, bảo đảm an ninh cho các sự kiện lớn của đất nước, sẵn sàng ứng phó với các sự cố phóng xạ và hạt nhân.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và biểu dương những kết quả, đóng góp to lớn của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đối với việc phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong 30 năm qua. Cục đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cấp phép khi đã triển khai Hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu nguồn phóng xạ trên hệ thống công nghệ thông tin kết nối cơ chế một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN và Hệ thống dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Cùng với công tác cấp phép, công tác thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân ngày càng phát huy vai trò then chốt trong chu trình Quản lý Nhà nước, đồng thời, đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về năng lượng nguyên tử trong thời gian qua.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn trong nước, trong 30 năm qua, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng thực hiện tốt vai trò cơ quan pháp quy hạt nhân – đầu mối Quốc gia trong hợp tác với cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân mà Việt Nam là thành viên. Cục cũng là cơ quan thường trực của Hội đồng An toàn hạt nhân Quốc gia.
“Tôi tin tưởng rằng, thành quả hôm nay sẽ tạo đà để Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sẽ gặt hái nhiều thành tựu nổi bật hơn nữa, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt hơn cho ngành năng lượng nguyên tử trong thời gian tới để ngành ngày càng đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước” – Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Cùng với hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân cũng khai mạc Hội nghị pháp quy hạt nhân lần thứ 6 nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý Nhà nước về ATBX&HN giai đoạn 2022-2024; đồng thời, đề xuất các giải pháp, kiến nghị và định hướng trong thời gian tới.
Trong hơn 10 năm qua, các Hội nghị pháp quy hạt nhân đã thực sự phát huy vai trò là diễn đàn quan trọng để các cơ quan quản lý, các DN, cơ sở bức xạ cùng đánh giá hoạt động, chia sẻ thông tin và đề xuất các giải pháp để hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn, an ninh cho sự phát triển bền vững của hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Nhân dịp này, Bộ KH&CN đã tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 11 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và ứng phó sự cố giai đoạn 2022-2023.