Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Củng cố hành lang pháp lý nhằm bảo vệ tốt hơn các loài động vật hoang dã

Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2015 – 2017, Tòa án nhân dân tối cao đã thụ lý 231 vụ với 339 bị cáo vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý, hiếm. Trong đó, chỉ có 8 bị cáo áp dụng tù từ 3-7 năm, 96 trường hợp tù từ 3 năm trở xuống.

Các vụ việc còn lại đối tượng phạm tội chỉ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù giam nhưng cho hưởng án treo-những hình phạt được đánh giá là chưa đủ sức răn đe và cũng không gây tổn thất nhiều so với món lợi khổng lồ từ buôn bán động vật hoang dã.
 Hội nghị tập trung tập trung thảo luận, góp ý tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc trong Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) tổ chức Hội nghị tập huấn về xét xử các tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong 2 ngày (11-12/7) tại Đà Nẵng.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho biết: Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 so với Bộ Luật hình sự năm 1999 thì các quy định về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm có nhiều điều khoản mới cùng khung hình phạt nặng hơn là một công cụ hiệu quả góp phần răn đe, trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm về động vật hoang dã nói riêng. Bộ luật cũng sẽ tạo nên những chuyển biến đáng kể, củng cố hành lang pháp lý nhằm bảo vệ tốt hơn các loài động vật hoang dã. Qua đó, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước về buôn bán quốc tế trong các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp.
 Ông Nguyễn Hoà Bình- Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và các nhà hoạt động thực tiễn thì những sửa đổi, bổ sung mới vẫn còn một số quy định định tính, có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong xét xử. Quốc hội đã giao cho Tòa án nhân dân tối cao soạn thảo Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn việc thực hiện các quy định mới liên quan đến động vật hoang dã của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi hướng dẫn áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc trong xét xử vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, góp ý tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc trong Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như: Quy định trọng lượng làm cách tính cho bộ phận và sản phẩm của nhiều động vật hoang dã chưa được cụ thể; Thời gian săn bắt bị cấm; Vấn đề xử lý vật chứng tiêu hủy hay giao cho cơ quan khác để bán sung công quỹ…; Trường hợp công dân của quốc gia chưa quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp nhưng mang theo ngà voi, sừng tê giác vào Việt Nam sẽ xử lý như thế nào?....