Củng cố nền kinh tế tự chủ, tự cường

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi nhanh và khó lường hiện nay là rất cần thiết.

Tọa đàm với chủ đề “Tự lực, tự cường - tạo đà phục hồi kinh tế - xã hội và phát triển trong hội nhập” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức sáng 23/3.

“Tự lực tự chủ tự cường” không có nghĩa là “tự cung tự cấp”

Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, đời sống Nhân dân được cải thiện. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ, tham gia vào WTO cùng nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Toàn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại toạ đàm. Ảnh VOV
PGS.TS Nguyễn Ngọc Toàn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại toạ đàm. Ảnh VOV

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Toàn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bên cạnh những thành công, vẫn còn một số hạn chế. Dù nền kinh tế đã có bước phát triển nhanh, nhưng nội lực nền kinh tế quốc gia vẫn còn yếu kém và dễ bị tổn thương trước những biến động bất lợi từ bên ngoài. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, DN và sản phẩm của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả nhiều nước trong khu vực.

Các chuyên gia cho rằng, dù chính sách kinh tế Việt Nam luôn nhấn mạnh về chuyện tăng trưởng dựa vào nội lực là chính, nhưng thực tế nền kinh tế ngày một lệ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu và nguồn lực đầu tư nước ngoài. Trong khi các DN FDI liên kết còn kém, lan toả về quản trị còn hạn chế. Thương mại quốc tế còn phụ thuộc vào một số khách hàng, đối tác lớn, tạo ra những rủi ro khi có vấn đề với các thị trường, đối tác này.

''Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, tỷ trọng xuất nhập khẩu trên GDP lớn nên dễ chịu tác động bởi các cú sốc, các biến động kinh tế thế giới trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng diễn biến phức tạp”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Toàn chỉ rõ.

Thế giới đang có sự biến chuyển nhanh chóng dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, toàn cầu hóa, xung đột địa chính trị và các thách thức an ninh phi truyền thống. Tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy. Trước những biến đổi khó lường, việc phát huy ý chí tự lực, tự cường chính là điều kiện cốt lõi để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế.

Với Việt Nam, Đại hội IX nhấn mạnh: Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước. “Tự lực tự chủ tự cường khác với tự cung tự cấp, mà ở đây là phải đoàn kết dân tộc thúc đẩy sức mạnh dân tộc từ đó có tự cường (năng lực vượt qua biến động) là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt bảo đảm nền kinh tế đủ sức đứng vững và ứng phó được với các tình huống phức tạp. Xác định cạnh tranh sòng phòng với ý nghĩa lành mạnh là cùng thắng” - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lưu Hoàng Thái chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm và thành công của Hàn Quốc, Singapore, PGS.TS Vũ Minh Khương - giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) khuyến nghị, để trở thành một dân tộc thực sự tự chủ, tự lực và tự cường trong công cuộc phát triển, Việt Nam phải kiên định về đường lối, chiến lược phát triển, đó là: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, có khả năng thích ứng với các biến động kinh tế và cú sốc bên ngoài; chủ động hội nhập, cần phải đa dạng hóa mối quan hệ, tranh thủ tốt các thể chế kinh tế đa phương, tránh rủi ro phụ thuộc vào một quốc gia, một thị trường.

Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý và DN đều cho rằng, kinh tế Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn. Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế có tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao trên thế giới. Sự xuất hiện yếu tố “dân số vàng” có thể xem là một cơ hội tốt đối với tăng trưởng và phát triển. Việt Nam đã có bước tiến dài trên đại lộ hội nhập với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang đàm phán; trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết…

Trong thời gian qua, kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới… đây là cơ hội rất tốt để tiếp tục thực hiện nền kinh tế tự lực tự chủ tự cường. Đồng thời cho rằng, Việt Nam cần đặt mục tiêu độc lập tự chủ gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0 đổi mới sáng tạo, hội nhập kinh tế quốc tế.

Đó là cần phải chuyển sang phương thức phát triển mới, định hướng chất lượng, công nghệ cao, tạo lập cấu trúc kinh tế mới, tạo ra những sản phẩm khác biệt để có lợi thế cạnh tranh, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các tập đoàn kinh tế quốc gia đẳng cấp toàn cầu…, liên kết mạnh mẽ với các DN đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ chuỗi cung ứng…

Vậy vai trò của các chủ thể trong nền kinh tế là thế nào? Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, với Chính phủ phải thực sự kiến tạo, khởi tạo, có quy hoạch rõ ràng bài bản, có sự đầu tư vào những ngành mang tính dẫn dắt, đầu tư vào nhân lực và luôn coi DN là đối tác. Nhà nước hay các địa phương tạo môi trường kinh doanh tối đa để phát huy khả năng của DN.

Đối tượng chủ thể quan trọng chính là các DN cần phải nắm bắt được thời cơ, dự báo, đoán định được những diễn biến cung - cầu của thị trường. Tích cực liên kết với DN nước ngoài. Đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Chuyển đổi số vừa là chiến lược vừa là giải pháp, vừa phải làm ngay vừa là dài hạn. Nâng cao chất lượng nhân lực, quản trị DN. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 gần 3 tháng, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã được cụ thể hoá, triển khai như thuế VAT... Các địa phương đang rất nỗ lực thực thi chính sách vào cuộc sống, dù vậy đòi hỏi sự kết nối vào cuộc của các bên đặc biệt là hiệp hội DN, hỗ trợ sát thực với DN.